Ông chủ xà bông mất sạch tài sản
Trong ngôi nhà treo đầy những tờ giấy ghi vô số thông tin khó hiểu, ông Trương Lâm (SN 1958, Quận 8, TP.HCM) cặm cụi ngồi tô, vẽ trên giấy như trẻ em tập viết. Ông đang thiết kế tờ thông tin sản phẩm cho những gói đậu phộng rang sắp đem đi bán.
Hai tuần, ông Lâm mới làm đậu rang một lần. Mỗi lần như vậy, ông cũng chỉ “sản xuất” 5 - 10 bịch. Tất cả số đậu phộng trên, ông đều đóng gói và bỏ vào bên trong mỗi gói một tờ thông tin sản phẩm do ông tỉ mẩn viết, tô vẽ bằng tay.
Mỗi gói đậu phộng như thế, ông bán với giá từ 2000 - 3000 đồng. Ông chế biến, bán đậu rất ít vì “chỉ bán để quảng cáo thương hiệu” và bận bịu với kế hoạch “tái khởi nghiệp” sau lần trắng tay vì trò đua ngựa.
Thời trai trẻ, ông Lâm học nghề nấu xà bông cây tại hãng xà bông Huê Vân. Sau đó, ông vừa học nghề vừa bỏ vốn mua xà bông của hãng này đem đi bỏ mối khắp chợ tại TP.HCM.
Ít năm sau, ông nắm hết kỹ thuật nấu xà bông cây. Cưới vợ xong, ông quyết định mở xưởng nấu xà bông và trở thành chủ xưởng sản xuất xà bông cây Thuận Phát. Đi lên từ khó khăn, ông Lâm chí thú làm ăn, không một lần dám động đến những thú vui tốn kém.
Ấy vậy mà trong một lần đi giao hàng, ông bị tiếng loa phóng thanh phát ra từ trường đua Phú Thọ (Quận 11, TP.HCM) hấp dẫn. Hôm ấy là ngày Chủ nhật, trường đua có tổ chức đua ngựa. Tò mò, ông mua vé vào xem.
Ông kể: “Thế rồi tôi được nghe về giải thưởng, cách đặt cược. Nghĩ mình đã làm việc cật lực, cần được giải trí, tôi rút tiền đặt cược thử. Cuối chặng đua, con ngựa tôi cược về nhất bị tụt lại cuối cùng”.
Cứ thế, cuối tuần nào, ông Lâm cũng đến trường đua xem đua ngựa và đặt cược. Nhưng ông mất nhiều hơn được. Đến khi ông nghe vợ trách: “Anh cứ chơi như vậy sẽ không còn vốn để mua nguyên liệu về nấu xà bông nữa đâu” thì đã muộn.
Những đồng tiền cuối cùng của ông dần tan theo bụi mù của vó ngựa đua. Không còn tiền sản xuất, xưởng nấu xà bông của ông tan rã. Ông trở thành kẻ trắng tay.
Giận chồng, vợ ông ôm 2 đứa con về bên ngoại sinh sống. Cho đến bây giờ, ông chưa một lần được gặp lại vợ con. Ông lủi thủi một mình trong căn nhà chẳng còn gì đáng giá.
Chịu nhiều cú sốc trong một thời điểm ngắn khiến tâm trí ông không còn tỉnh táo như khi còn là ông chủ xưởng nấu xà bông. Ông Lâm bây giờ trong mắt những người xung quanh là “người đàn ông không bình thường”.
Hằng ngày, ông huyên thuyên về những kế hoạch phát triển thương hiệu đậu phộng rang của mình. Ông tự tay vẽ tấm bản đồ các quận trong TP.HCM với những cung đường chằng chịt. Ông vẽ để “sau này nhân viên biết đường đi giao sản phẩm”.
Ước vọng dở dang
Ông cũng tự viết lên tường nhà các kế hoạch kinh doanh, tổ chức nhân sự và thuyết trình về nó hệt như mình đang có một cơ sở sản xuất đậu phộng rang tầm cỡ. Vừa thuyết trình, ông vừa cặm cụi vẽ những tờ bao bì sản phẩm bằng tay.
Ông nói: “Tôi chưa có tiền đi in nên phải viết tay. Trước đây, tôi mua được một cục gỗ hình vuông. Tôi tự dùng dao khắc ngược chữ, hình bao bì gói đậu phộng lên đó. Mỗi khi cần làm bao bì, tôi chỉ việc lấy cục gỗ này in xuống giấy. Chỗ nào nhạt, mờ, tôi tô, vẽ lại bằng bút màu”.
“Bây giờ, tôi chỉ bán để quảng cáo thương hiệu thôi chứ không có lời. Sau này, tôi sẽ mua được đất, trồng đậu rồi tự lấy đậu đó sản xuất thì mới có lời. Lúc đó, sản phẩm của tôi sẽ đi khắp đất nước. Có như vậy, vợ con tôi mới trở về”, ông nói thêm rồi nhìn vào khoảng tối hun hút của căn nhà.
Từ ngày vợ con bỏ đi, ông Lâm cũng bỏ luôn ý định bán căn nhà không có điện, không có nước sạch, không người thân để lấy tiền đổ vào trò cá cược đua ngựa. Cũng từ ngày ấy, ông thui thủi một mình trong cuộc sống thiếu thốn trăm bề.
Hằng ngày, để có tiền trang trải, ngoài những ngày đi bán đậu, ông lang thang ngoài đường phố để xin tiền ăn cơm qua bữa. Trở về nhà, ông mày mò “thiết kế”, sửa chữa hệ thống hứng, trữ nước mưa để có nước sinh hoạt.
Đó là hệ thống máng xối bằng bao tải để hứng, dẫn nước mưa từ mái nhà vào bể bê tông có sẵn, ra phòng khách. Tại đây, sau khi được lọc cặn bẩn, ông cho nước chảy vào các bao nilon cỡ lớn để dùng dần.
Để có đủ nước sinh hoạt vào thời điểm thành phố ít mưa, ông phải trữ nước trong cả trăm bao nilon chất đầy trong nhà.
Ông nói: “Nước quan trọng lắm. Ngoài những vật dụng gắn với kỷ niệm của vợ con, mọi vật dụng khác trong nhà, tôi đều di dời để lấy không gian trữ nước. Tôi cứ chất đầy nước trong nhà để dùng dần”.
Ông Lâm đã sống như thế suốt chục năm qua. Ông vẫn quyết định tiếp tục cuộc sống ấy khi kiên quyết từ chối việc bán nhà, cho thuê nhà để mình bớt khổ. Và, phía sau sự chịu đựng đến không bình thường ấy là vô số nỗi niềm của ông về những ước vọng dở dang của mình.
Bài, ảnh: Hà Nguyễn