Quy định về liêm chính học thuật áp dụng đối với toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người học của ĐH Bách khoa Hà Nội. Cơ sở giáo dục này đưa ra 12 yêu cầu về liêm chính học thuật trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo.
Cụ thể, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, giảng viên, người học cần tôn trọng ý tưởng của người khác, không sao chép, biến ý tưởng của người khác thành ý tưởng, đề xuất của mình; không sử dụng đề tài đã được phê duyệt ở nơi này để tham gia tuyển chọn, nhận tài trợ ở nơi khác; không bịa đặt, ngụy tạo đối tượng nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ - lý lịch khoa học.
Giảng viên, người học cần trung thực, minh bạch trong thực hiện nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu, không được sao chép nguyên văn (giống hệt về mặt từ ngữ, hình ảnh, đồ thị, câu chữ,…), trình bày hoặc dịch đoạn văn hay ý tưởng của người khác/của bản thân ở sản phẩm học thuật đã công bố trước đó mà không có trích dẫn nguồn một cách trung thực và đầy đủ.
Bên cạnh đó, toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên, người học không được sao chép một phần, thay đổi từ ngữ, di chuyển từ hoặc cụm từ, ý tưởng của người khác/của bản thân ở sản phẩm đã công bố mà không trích dẫn nguồn một cách trung thực và đầy đủ; không được sử dụng toàn bộ hay một phần bài viết, thiết kế, biểu đồ, dữ liệu nghiên cứu của người khác/của bản thân ở sản phẩm học thuật đã công bố trước đó mà không nêu rõ nguồn; không sử dụng, công bố sản phẩm do thuê hoặc nhờ người khác thực hiện dưới tên mình.
Ngoài ra, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng quy định không tự ý đưa tên người khác, không giả mạo chữ ký người khác trong danh sách thành viên nghiên cứu, hồ sơ đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ, đồng thời nghiêm cấm việc mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức.
Đơn vị này cũng đưa ra tỷ lệ được phép trích dẫn tối đa theo từng đề tài/nhiệm vụ/lĩnh vực. Mức độ trùng lặp của sản phẩm học thuật so với các tài liệu tham khảo phải đảm bảo tối đa 20% đối với các sản phẩm học thuật thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; tối đa 30% đối với các sản phẩm học thuật không thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; tối đa 35% đối với lĩnh vực Luật, Lý luận chính trị.
Ngoài các quy định này, cán bộ, viên chức, giảng viên và người học tham gia hoạt động liên kết nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo cần tuân thủ việc không được tự ý chuyển giao ý tưởng, nhiệm vụ nghiên cứu đã đăng ký sau khi tham gia thỏa thuận/ hợp đồng liên kết cho bên thứ 3 mà không có sự cho phép của cấp có thẩm quyền của đại học; không tham gia viết/nghiên cứu thuê, cổ vũ, hỗ trợ các hành vi vi phạm liêm chính học thuật dưới mọi hình thức.
ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập hội đồng tư vấn liêm chính khoa học nhằm thẩm định, đánh giá mức độ vi phạm về liêm chính học thuật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh đó, các cá nhân có hành vi vi phạm liêm chính học thuật còn có thể phải chịu hình thức xử lý bổ sung theo quy định cụ thể của từng lĩnh vực. Các sản phẩm học thuật bị xác định là vi phạm liêm chính học thuật phải được chỉnh sửa, bổ sung, hoặc thu hồi.