Lời toà soạn: Trò chuyện với Tuần Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Kees van Baar nêu những nét tương đồng trong quan hệ giữa hai nước, giải pháp xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ kinh nghiệm của Hà Lan và định hướng giáo dục quốc tế của quốc gia này. |
Cuộc đấu tranh định hình sâu sắc tư duy quốc gia và văn hoá
Phóng viên: Thưa Đại sứ, lịch sử độc đáo của Hà Lan đã định hình mối quan hệ lâu dài và tích cực với Việt Nam như thế nào?
Đại sứ Kees van Baar:
Theo tôi, lịch sử bảo vệ đất nước đã hun đúc nên một tinh thần độc lập, sáng tạo và hợp tác sâu sắc trong người dân Hà Lan. Chính những giá trị cốt lõi này đã tạo nên nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa Hà Lan và Việt Nam.
Lịch sử quan hệ giữa hai nước chúng ta bắt nguồn từ rất sớm, ngay cả trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Các chuyên gia Hà Lan đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nước và nông nghiệp. Họ đến để được trực tiếp chứng kiến những gì đang diễn ra tại ĐBSCL, cũng như chia sẻ kinh nghiệp và hợp tác nghiên cứu cùng Việt Nam.
Khi còn là sinh viên tại Đại học Wageningen, tôi đã nhận thấy Việt Nam là một điểm đến nghiên cứu hấp dẫn bởi nhiều sự tương đồng với Hà Lan về bối cảnh địa lý và khí hậu, những thách thức trong quản lý tài nguyên nước và phát triển nông nghiệp bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, xâm nhập mặn và sụt lún đất. Đây cũng là những thách thức mà Hà Lan đã và đang phải đối mặt, mặc dù nguyên nhân gốc rễ có thể khác nhau.
Chính vì vậy, chuyên môn của Hà Lan trong lĩnh vực này đã trở thành cầu nối quan trọng, giúp tăng cường hợp tác giữa hai nước. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Việt Nam học hỏi được những kinh nghiệm thực tiễn từ Hà Lan để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Là quốc gia với tổng giá trị xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, Hà Lan hiểu rõ tầm quan trọng của việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Việc chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ giữa hai nước là vô cùng cần thiết.
Đại sứ đã đề cập rằng Hà Lan có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, đặc biệt là về hoàn cảnh lịch sử và bối cảnh địa lý. Ngoài cuộc đấu tranh với thiên nhiên, tôi hiểu rằng Hà Lan và Việt Nam cũng đều trải qua thời kỳ đô hộ, chính Hà Lan cũng phải đấu tranh giành độc lập qua nhiều thế kỷ để vươn lên. Theo Đại sứ, những yếu tố nào đóng vai trò lớn nhất trong việc định hình tinh thần dân tộc và xã hội ngày nay của Hà Lan?
Đúng vậy! Cả Hà Lan và Việt Nam đều có lịch sử hào hùng về đấu tranh giành độc lập. Cuộc chiến tranh Tám mươi năm của Hà Lan trước Tây Ban Nha và sau đó là Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2 đã hun đúc nên tinh thần dân tộc mạnh mẽ và ý chí tự cường của người Hà Lan trong nhiều thế kỷ. Điều này rất giống với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ đã để lại những dấu ấn sâu đậm và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cuộc đấu tranh với thiên nhiên, đặc biệt là nước biển, mới chính là yếu tố định hình sâu sắc nhất tư duy quốc gia và văn hoá của chúng tôi. Bạn chỉ có thể giành phần thắng thông qua việc hợp tác, khi tất cả mọi người đồng lòng trước những gì cần làm, và tuân thủ các quy tắc đã được thiết lập. Cơ quan quản lý nước của Hà Lan với lịch sử hoạt động gần 1.000 năm, chính là hình thức dân chủ sớm nhất trong xã hội chúng tôi mà vẫn còn tồn tại cho tới nay.
Các ban quản lý nước của Hà Lan rất quan trọng, vì nếu bạn không quản lý nước đúng cách, bạn sẽ không thể sống sót. Chúng ta vẫn có thể tồn tại dưới sự đô hộ của các thế lực ngoại xâm, nhưng nếu chúng ta không quản lý nước đúng cách, chúng ta sẽ không có đất để sinh sống. Trải qua cuộc chiến vì tài nguyên nước, người Hà Lan càng nhận thức sâu sắc rằng hợp tác là chìa khóa để tồn tại và phát triển.
Tư duy hợp tác này không chỉ thể hiện trong cách chúng tôi quản lý nước mà còn hiện hữu sâu rộng trong văn hóa kinh doanh của Hà Lan. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua sự thành công của các tập đoàn lớn như ASML, tập đoàn dẫn đầu trong nền công nghiệp bán dẫn.
Bởi ASML không hoạt động đơn lẻ, mà tập đoàn này còn là trung tâm của một hệ sinh thái công nghệ sôi động tại Eindhoven. Tại đây, các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ cùng nhau hợp tác, chia sẻ kiến thức và nguồn lực, tạo nên một chuỗi giá trị đa dạng hoàn chỉnh. Mỗi doanh nghiệp đóng góp một phần quan trọng vào thành công chung, và tất cả cùng nhau tạo ra những đột phá công nghệ hàng đầu thế giới.
Cách tiếp cận hợp tác này đã trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng của các doanh nghiệp Hà Lan khi hoạt động tại Việt Nam. Bằng cách xây dựng các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhau và với các đối tác địa phương, các doanh nghiệp Hà Lan không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn cùng tạo ra những cơ hội kinh doanh mới và bền vững.
Đại sứ vừa đề cập đến giá trị hợp tác trong xã hội Hà Lan, thì đối với tôi, điều này gợi nhớ đến mô hình đưa ra các quyết định “polder”. Mô hình này dường như là một đặc trưng độc đáo của văn hoá Hà Lan. Đại sứ có thể chia sẻ thêm về lịch sử hình thành, cách thức vận hành của mô hình này không? Nó đã đóng góp như thế nào vào sự thành công của Hà Lan trong cuộc đấu tranh với nước và phát triển bền vững?
Mô hình polder thực sự là một nét đặc trưng của Hà Lan, phản ánh lịch sử trong công cuộc sống chung với biển cả. Nó bắt nguồn từ nhu cầu cấp thiết của người dân trong việc quản lý nguồn nước để sinh tồn. Để sống sót và phát triển trên những vùng đất thấp, chúng tôi đã sớm nhận ra rằng sự hợp tác và đồng thuận là yếu tố quyết định.
Mô hình polder hoạt động dựa trên nguyên tắc tất cả các bên liên quan cùng tham gia vào quá trình ra quyết định - từ các công đoàn, chính phủ, doanh nghiệp, và nhiều bên liên quan khác. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh thần hợp tác cao, nhưng kết quả mang lại là những quyết định được xã hội đồng thuận, đảm bảo sự bền vững lâu dài. Khi tất cả mọi người đều hiểu rõ và đồng ý với mục tiêu chung, việc thực hiện các quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.
Mô hình polder không chỉ được áp dụng trong hệ thống quản lý nước của Hà Lan mà còn được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Một ví dụ, cách Hà Lan đã xây dựng một hệ thống quan hệ lao động hiệu quả. Tại Hà Lan, người sử dụng lao động, người lao động, và chính phủ cùng ngồi vào bàn đàm phán để xây dựng các chính sách lao động. Quá trình này thường mất nhiều thời gian, nhưng đổi lại là có được những thỏa thuận mà cả ba bên đều hài lòng. Dựa trên mô hình này, chúng tôi đã phát triển thành công một môi trường lao động ổn định, ít xảy ra xung đột, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cách tiếp cận hợp tác này cũng đã ăn sâu vào văn hoá kinh doanh của Hà Lan. Các doanh nghiệp Hà Lan thường coi trọng việc xây dựng các mối quan hệ đối tác lâu dài và bền vững với khách hàng, nhà cung cấp, và chính phủ.
Hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước Việt Nam - Hà Lan
Dựa trên những gì Đại sứ đã nói, có vẻ như tinh thần hợp tác này đã giúp Hà Lan trở thành quốc gia với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý nước. Với kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng như vậy, Hà Lan đang đóng góp như thế nào vào việc giải quyết những thách thức Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Chúng tôi bắt đầu từ việc trao đổi kiến thức giữa các trường đại học và các chuyên gia, và ngày càng mở rộng quy mô và phạm vi hợp tác. Hiện nay, cả hai nước đều có những chuyên gia làm việc và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục của nhau. Ví dụ như sự xuất hiện của các giảng viên Việt Nam đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Delft hàng đầu châu Âu.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi tập trung vào việc xây dựng các giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kế hoạch đã và đang được triển khai hướng tới mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp nước ngọt, ngăn chặn sụt lún đất và bảo vệ các hệ sinh thái ven biển.
Thay vì chỉ tập trung vào xây dựng các công trình bằng bê tông, chúng tôi khuyến khích việc sử dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên như việc phục hồi rừng ngập mặn. Mô hình các “phòng thí nghiệm lưu động” (living labs) được triển khai trên hiện trường để chứng minh hiệu quả của các giải pháp này một cách trực quan. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi nhận thức của cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng của các giải pháp dựa vào hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên ví dụ như cát ngoài khơi. Đây là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang cùng nhau tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật và quản lý để đảm bảo khai thác cát ngoài khơi một cách bền vững, không gây tác động xấu đến môi trường.
Tóm lại, sự hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nước là một ví dụ điển hình cho việc hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững. Bằng cách chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác đang gặp phải những thách thức tương tự trên khắp thế giới.
Tập trung giải quyết quy hoạch tuyển sinh
Thưa Đại sứ, quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hà Lan đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam chọn Hà Lan là điểm đến du học cho thấy tiềm năng lớn của mối quan hệ này. Đại sứ đánh giá như thế nào về xu hướng này và theo ngài, chúng ta có thể làm gì để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục giữa hai nước?
Hà Lan nổi tiếng với các chương trình đào tạo chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), rất phù hợp với nhu cầu phát triển của cả hai quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chúng tôi cũng đang đối mặt với một số thách thức, điển hình là vấn đề nhà ở. Tình trạng thiếu nhà ở hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên quốc tế mà còn cả sinh viên Hà Lan. Các quy định về môi trường đã làm chậm quá trình xây dựng nhà ở mới, gây ra nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi khá thận trọng khi mời thêm sinh viên đến học tại Hà Lan cho đến khi có thể đảm bảo nhà ở đầy đủ cho mọi người.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc đảm bảo sự cân bằng giữa sinh viên quốc tế và sinh viên trong nước. Mặc dù luôn chào đón sinh viên quốc tế, chúng tôi cũng cần đảm bảo rằng sinh viên Hà Lan có cơ hội tiếp cận giáo dục và nhà ở. Để đạt được mục tiêu này, các trường đại học Hà Lan đã điều chỉnh chiến lược tuyển sinh, hạn chế quảng cáo trên các diễn đàn nghiên cứu quốc tế.
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rất cao sự tham gia của sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam. Các bạn không chỉ mang đến sự đa dạng về văn hóa mà còn góp phần làm phong phú hơn môi trường học thuật.
Nhiều sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đã lựa chọn gắn bó với Hà Lan, làm việc tại các doanh nghiệp địa phương và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Hợp tác giáo dục giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, nhưng trước mắt, chúng tôi cần tập trung vào việc giải quyết các thách thức về cơ sở vật chất và quy hoạch tuyển sinh.
Nhìn lại con đường ngoại giao của Đại sứ
Thưa Đại sứ, điều gì đã thôi thúc ngài theo đuổi con đường ngoại giao và những dấu mốc nào đã đưa ngài đến Việt Nam?
Tôi luôn khao khát được khám phá thế giới và cống hiến cho cộng đồng. Không chỉ giới hạn mình ở trong đất nước Hà Lan, tôi mong muốn tìm hiểu cả các vấn đề trên toàn cầu. Động lực lớn nhất của tôi là được đại diện cho Hà Lan góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Con đường ngoại giao của tôi bắt đầu tại châu Phi, tại các sứ quán ở ở Zambia, Nam Sudan và sau đó ở nhiều nơi khác như Palestine. Tôi cũng từng làm việc tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hà Lan, cũng như đảm nhiệm vai trò Đại sứ lưu động về nhân quyền, đến nhiều quốc gia để giải quyết các vấn đề nhân quyền mang tính khẩn cấp.
Việt Nam đã thực sự thu hút tôi từ năm 2014 khi tôi đến Hà Nội tham dự một hội nghị về kinh doanh và nhân quyền do các quốc gia châu Á và châu Âu tổ chức. Trong chuyến đi ấy, tôi đã có cuộc trao đổi và rất ấn tượng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an - về việc thực hiện Công ước chống tra tấn. Chuyến thăm này đã mở ra cho tôi nhiều góc nhìn mới và để lại ấn tượng sâu sắc về Việt Nam.
Sự nghiệp ngoại giao của tôi gắn với nhiều nhiệm vụ đầy thử thách tại những khu vực xung đột như cuộc nội chiến ở Moluccas, Indonesia và cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel. Chính vì vậy, khi đến Việt Nam, tôi cảm thấy như mình đang bước sang một chương mới đầy tươi sáng. Tôi có cơ hội làm việc với những lĩnh vực hoàn toàn khác, như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, quản lý nguồn nước và hợp tác kinh tế.
Cũng trong năm 2014, một sự kiện bi kịch đã để lại trong tôi một dấu ấn sâu sắc. Vụ máy bay MH17 bị bắn hạ không chỉ là một thảm họa hàng không, mà còn là một cú sốc lớn đối với tôi cả về mặt cá nhân lẫn chuyên môn. Khi đó, tôi vừa kết thúc nhiệm kỳ ở Nam Sudan và đang chuẩn bị nghỉ ngơi thì tin dữ ập đến. Với vốn tiếng Nga của mình, tôi đã quyết định ở lại Ukraine để hỗ trợ công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân và đưa họ về nước.
Trải nghiệm đó thực sự ám ảnh. Đặc biệt khi biết rằng một người bạn thân của tôi cũng có mặt trên chuyến bay định mệnh ấy. Sự kiện này càng khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao, ngay cả trong những hoàn cảnh đau thương nhất. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tìm kiếm và chứng minh rằng ngoại giao có thể đóng một vai trò quan trọng và có thể tạo ra những thay đổi tích cực khi những thảm kịch như vậy xảy đến.