Chiều 27/4, tại Paris (Pháp) Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO, bước vào vòng phỏng vấn kéo dài 90 phút cho vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO lần này có 9 ứng cử viên trên toàn thế giới. Quá trình phỏng vấn lần lượt từng ứng viên diễn ra trong hai ngày 26-27/4, trong đó ông Phạm Sanh Châu là người thứ 6 bước vào cuộc thi. Hôm qua (26/4), các ứng cử viên gồm bà Moushira Khattab (Ai Cập), ông Juan Alfonso Fuentes Soria (Guatemala), ông Qian Tang (Trung Quốc), ông Saleh Al-Hasnawi (Iraq), bà Audrey Azoulay (Pháp) đã hoàn thành phần phỏng vấn của mình.
9 ứng cử viên cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO. (Nguồn: UNESCO) |
Mở đầu buổi phỏng vấn, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn ông làm đại diện ra tranh cử cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO, đồng thời khẳng định đây là niềm vinh dự lớn đối với bản thân ông.
Sau đó, ông Châu nêu ra 3 tầm nhìn chiến lược trong đề cương phát triển UNESCO của ông, đó là thúc đẩy hòa bình, nhu cầu phải cải cách, và đặc biệt là UNESCO cần phải thay đổi cách tiếp cận, cách truyền thông. “UNESCO cần phải PR cho chính mình”, ông Châu nói.
Sau 10 phút thuyết trình, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được câu hỏi đầu tiên từ đại diện của Cộng hòa Serbia về cách thức giải quyết sự mất cân bằng hiện nay trên thế giới.
Vị Đại sứ Việt Nam đã đưa ra câu trả lời rằng, nhiệm vụ trước tiên của UNESCO là phải giải quyết vấn đề nội bộ và tầm nhìn, đó là coi UNESCO như một tập thể gắn kết. Từ đó, UNESCO sẽ xây dựng được một hình ảnh tích cực hơn trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Chỉ khi có được sự đồng thuận trong nội bộ, sự thống nhất về tầm nhìn, UNESCO mới có thể giải quyết sự mất cân bằng mà thế giới đang đối mặt.
Đại sứ Phạm Sanh Châu rất tự tin khi trả lời câu hỏi đầu tiên. |
"Làm sao để tạo đựng mối quan hệ tốt giữa 3 ban quản trị của UNESCO?", đại diện Malaysia đặt câu hỏi thứ hai cho Đại sứ Phạm Sanh Châu.
Đáp lại, ông Châu khẳng định trước hết, muốn có người đứng đầu tốt thì cần những trợ lý tốt. Điều quan trọng là phải xây dựng được mối quan hệ tốt giữa Tổng Giám đốc và những người trợ lý. Để tạo được mối quan hệ tốt giữa ba ban quản trị, vai trò của Tổng Giám đốc UNESCO rất quan trọng vì phải đưa ra được những ý tưởng và truyền đạt ý tưởng đó cho tất cả các thành viên của tổ chức. Muốn làm được điều này cần phải hiểu được sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của Tổ chức.
Bên cạnh đó, ông Châu nhấn mạnh việc thấu hiểu được quy trình làm việc, đồng thời hiểu được các ưu tiên, các mối quan tâm của từng nước thành viên.
Quang cảnh buổi phỏng vấn. |
Đại diện Nam Phi đặt câu hỏi cho ông Phạm Sanh Châu, rằng làm thế nào để phát huy việc bảo tồn di sản ở châu Phi cũng như tăng cường việc phổ biến kiến thức về châu Phi.
Trước câu hỏi này, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, việc bảo tồn những di sản ở châu Phi là công việc rất khó khăn, nhưng UNESCO cần quan tâm hơn đến khu vực này, tăng cường hỗ trợ năng lực cho các nước châu Phi.
Liên quan đến nhận thức của thế giới về châu Phi, ông Châu nhấn mạnh bên cạnh những thông tin về chính trị, kinh tế,… cộng đồng quốc tế cần tăng cường sự quan tâm hơn nữa về châu lục này, qua đó làm giàu kiến thức và đa dạng văn hóa của nhân loại.
Trả lời câu hỏi của đại diện Ukraine về việc UNESCO cần làm thế nào để giảm tình trạng bất bình đẳng giới thông qua cải thiện giáo dục cho phụ nữ, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, việc cải thiện nền giáo dục cho phụ nữ, qua đó giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông, cũng như đã được nêu trong 9 mục tiêu thiên niên kỷ của UNESCO.
Ông tin rằng, giáo dục là cốt lõi và cần được nhận được nhiều sự chú ý hơn nữa. Giáo dục, đặt biệt là cho phụ nữ, cần được tạo điều kiện nhiều hơn để phát triển và mang lại những thành quả. Theo ông Châu, UNESCO cần đưa ra những khuôn khổ phù hợp và cụ thể hơn cho từng nước trong việc nâng cao nền giáo dục cho phụ nữ. Cuối cùng, ông Châu cũng dẫn chứng một số kinh nghiệm của cá nhân khi từng là một giáo viên. Theo ông, ở một số nơi, nghề giáo vẫn chưa được quan tâm và coi trọng một cách đúng mực, dẫn đến việc nhiều giáo viên không còn tâm huyết với nghề và không thể tập trung vào việc truyền tải kiến thức cho học sinh của mình.
Trả lời câu hỏi về các chương trình cải cách UNESCO của đại diện Vương quốc Anh, ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh rằng, các chương trình của UNESCO cần phải cô đọng, tập trung hơn. Theo ông, hiện tồn tại một nghịch lý rằng, các tổ chức luôn có nhu cầu cải cách nhưng các chương trình đưa ra nhiều khi không đem lại hiệu quả. Ông Phạm Sanh Châu khẳng định, ông có một chương trình riêng của mình và chương trình này hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng các chương trình của UNESCO. Ứng cử viên của Việt Nam cho rằng, cuộc phỏng vấn cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO là một cuộc thi thực chất, không như những cuộc bầu cử mang tính chất chính trị.
Liên quan đến câu hỏi của đại diện Slovenia, Đại sứ Sanh Châu nhấn mạnh tầm quan trọng của Natcom (đại diện cho các NGO, tổ chức dân sự...) trong sự phát triển của UNESCO. Theo ông, UNESCO là tổ chức quan duy nhất có quan hệ với Natcom. Natcom không những có vai trò như cầu nối, là người thực hiện các dự án, người phản hồi cho UNESCO mà còn đóng góp sáng kiến để UNESCO phát triển.
Trả lời câu hỏi của đại diện Đức rằng, nếu được bầu làm Tổng Giám đốc, ông sẽ đảm đương trách nhiệm đó như thế nào. Ông Sanh Châu chia sẻ, nếu được bầu, ông sẽ nỗ lực trở thành người bạn tin cậy, lắng nghe, quan tâm và kết nối của tất cả các thành viên. UNESCO bao gồm nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, khoa học xã hội, truyền thông, vì vậy, người đứng đầu phải am hiểu và có kĩ năng giải quyết tất cả các vấn đề có thể gặp phải trên các lĩnh vực.
Đại diện Iran đặt câu hỏi: "Ông có ý kiến gì về vấn đề vấn đề đạo đức nói chung và ở trong UNESCO nói riêng?". Đại sứ Châu trả lời, đối với UNESCO, vấn đề đạo đức và lương tâm cần được đặt lên hàng đầu, vì đây là tổ chức gìn giữ những gì tốt đẹp nhất còn sót lại của loài người.
Ông Châu nói rằng, nếu như được bầu làm Tổng Giám đốc của UNESCO, ưu tiên số 1 của ông là sẽ bảo đảm rằng UNESCO là một tổ chức trong sạch, không có tình trạng tham nhũng và bê bối.
Đại diện Dominica hỏi Đại sứ Sanh Châu: Nếu trở thành Tổng Giám đốc UNESCO, ông Châu sẽ kiểm soát mối quan hệ giữa ông với Hội đồng Điều hành (Board of Executive -BoE) của tổ chức này như thế nào.
Ông Châu chia sẻ, đôi lúc ông cảm giác mọi người dường như tỏ ra dè dặt trước việc phải đưa ý kiến ra BoE. "Như trong tuyên bố tầm nhìn của tôi đã viết, nếu được bầu, tôi sẽ luôn tôn trọng BoE và những ý kiến đóng góp của họ. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng kể cả một người lãnh đạo có tầm nhìn cũng cần có những không gian nhất định để thuyết phục BoE về những ý tưởng của mình", ông Châu nêu rõ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu đến từ Togo liên quan tới việc mở rộng phạm vi bao trùm của UNESCO và phát triển các chương trình nghị sự, ông Phạm Sanh Châu cho rằng, UNESCO là “phòng thí nghiệm” của các ý tưởng và thực thể đại diện cho trí tuệ, hỗ trợ sự phát triển xã hội trên thế giới. UNESCO đóng vai trò gìn giữ những bản sắc của thế giới. Các chương trình hoạt động hiệu quả của UNESCO cần được nhân rộng nhằm chia sẻ những thực tiễn tốt.
Đại diện Sri Lanka nêu lên câu hỏi rằng, ông Châu sẽ quản lý một tổ chức lớn như UNESCO thế nào? Ông Châu chia sẻ, mặc dù ông chưa có kinh nghiệm quản lý một tổ chức quốc tế lớn, nhưng trên cương vị là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về vấn đề UNESCO, ông có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong các vấn đề liên quan đến UNESCO, qua đó có thể áp dụng tốt vào việc quản lý tổ chức.
Trước câu hỏi của đại diện Paraguay, ông Phạm Sanh Châu đã chia sẻ một số quan điểm về tài liệu C/5 liên quan đến chương trình ngân sách của UNESCO. Ông Châu cho rằng tân Tổng Giám đốc UNESCO sẽ phải bám sát chương trình của tổ chức và đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi chương trình kéo dài 8 năm, tức 2 nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc.
Đại biểu Argentina đưa ra câu hỏi về tầm ảnh hưởng của UNESCO trong tương lai và nếu như được bầu thì ông Châu sẽ làm như thế nào để có thể kêu gọi được nguồn tài trợ cần thiết cho tổ chức. Trả lời câu hỏi trên, Đại sứ Phạm Sanh Châu nêu rõ: UNESCO hiện có 2 nguồn tài trợ đó là đóng góp tài chính bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, khoản đóng góp tự nguyện là lĩnh vực mà UNESCO cần phải chú trọng hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, làn sóng chủ nghĩa cực đoan đang lan truyền mạnh mẽ và có ảnh hưởng đến giới trẻ. Đại diện El Salvador đặt câu hỏi cho ông Châu: "UNESCO cần làm gì để chống lại làn sóng cực đoan này?".
Theo ứng cử viên đến từ Việt Nam, một trong những mục tiêu của UNESCO là thúc đẩy hòa bình và UNESCO cần tiếp tục giữ vững và phát triển mục tiêu đó. UNESCO cũng cần nhấn mạnh rằng truyền bá hòa bình là ưu tiên của tổ chức, đồng thời cần hỗ trợ Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong việc ngăn chặn các thảm họa xảy ra.
Ông Châu nhấn mạnh, con người cần tôn trọng những khác biệt vốn có của nhau, có vậy mới có thể thấu hiểu, chia sẻ và cùng chung sống trong hòa bình. Không chỉ vậy, giáo dục cũng là tối quan trọng trong việc dẫn đến hòa bình. Trong vụ tấn công vào Pháp vừa qua, nghi phạm thực hiện vụ tấn công dường như đã cảm thấy bị cô lập ra khỏi cộng đồng vì sự khác biệt của mình và bị những tổ chức cực đoan lôi kéo.
"Tôi tin rằng nền giáo dục của chúng ta cần phải hướng dẫn giới trẻ sử dụng internet một cách hiệu quả và tốt đẹp hơn, bắt đầu từ việc dừng đăng tải những phát ngôn tiêu cực, gây kích động tôn giáo/màu da thông qua mạng xã hội", ông Châu nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu đến từ Nepal về nạn mù chữ của thế giới, rằng vì sao vấn đề này vẫn nằm trong mục tiêu thiên niên kỷ tới năm 2030, ông Phạm Sanh Châu cho rằng hiện tại trên thế giới vẫn còn rất nhiều người chưa biết đọc biết viết, đây là một vấn đề lớn, một ưu tiên trong phát triển xã hội của nhiều quốc gia. Nhiều hiệp định thương mại thế giới (FTAs) vẫn chưa được hoàn thiện, do đó, vấn đề mù chữ cũng cần một khoảng thời gian dài để giải quyết.
Ông Châu chia sẻ: "Việt Nam là một bài học thành công về công cuộc xóa nạn mù chữ, giảm từ 90% xuống chỉ còn 6%. Tuy nhiên, không phải đất nước nào cũng làm được điều này. Vì vậy, các nước cần phải chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Các quốc gia cũng cần hỗ trợ những nỗ lực của UNESCO để giải quyết vấn đề mù chữ. Để đạt được mục tiêu, chúng ta phải xem xét tất cả các khía cạnh của vấn đề".
Kết thúc phần phỏng vấn, ông Phạm Sanh Châu chia sẻ: "Tôi đến từ Việt Nam, đất nước đã trải qua hàng thập kỷ chiến tranh với bao đau thương và cũng là đất nước đã mạnh mẽ đứng dậy sau chiến tranh. Việt Nam, đất nước tôi muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Tôi đã đi qua 87 quốc gia trên thế giới, từng là một người lính và nắm giữ nhiều vị trí khác nhau trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Với tất cả những kinh nghiệm của mình, tôi hiểu được giá trị của UNESCO và coi trọng những đóng góp của UNESCO cho sự phát triển của thế giới".
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng, Tổng Giám đốc UNESCO phải là người có tầm nhìn, có khả năng thuyết thục, thấu hiểu các vấn đề chính trị, có thể điều phối các tổ chức phi chính phủ, dân sự, am hiểu địa bàn. Với cá nhân ông Châu, một Tổng Giám đốc của UNESCO cũng cần phải có khiếu hài hước, lắng nghe, thân thiện với nhân viên của mình. "Nếu trở thành Tổng Giám đốc mới, với sự hỗ trợ của mọi người, tôi sẽ đưa UNESCO trở thành một tổ chức mạnh mẽ hơn, một ngôi nhà chung đoàn kết hơn, xứng đáng hơn và hạnh phúc hơn", ông Châu kết luận.
Theo Báo Thế giới và Việt Nam