Dai Su Thuy Dien.jpg
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Johan Ndisi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hiện nay, Thụy Điển là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong khối EU. Thụy Điển đứng thứ 29 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 700 triệu USD. Ngài có thể chia sẻ một số dự án đầu tư tiêu biểu của Thụy Điển tại Việt Nam cũng như kế hoạch đầu tư trong tương lai?

Đại sứ Ndisi: Điều đáng chú ý là hiện có khoảng 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam, tạo nên một nền tảng vững chắc cho việc mở rộng quan hệ thương mại song phương.  Hầu hết các tập đoàn lớn của Thụy Điển đều đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bởi vai trò quan trọng của họ trong hệ sinh thái kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ lâu và xây dựng được những mối quan hệ đối tác bền vững. Chẳng hạn như AstraZeneca, công ty đã đóng góp vaccine hàng đầu trong đại dịch COVID-19 và đang có kế hoạch mở rộng sản xuất dược phẩm tại Việt Nam. Tetra Pak đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực vật liệu đóng gói, Hitachi Energy hoạt động trong ngành năng lượng, Polarium trong lĩnh vực sản xuất pin…

Tuy nhiên, những con số thống kê chính thức chưa phản ánh hết bức tranh toàn cảnh. Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam sản xuất hàng hóa để xuất khẩu ra toàn cầu chứ không chỉ riêng cho thị trường Thụy Điển.

Chẳng hạn, thương hiệu H&M, họ sản xuất tại Việt Nam chủ yếu để phục vụ thị trường thế giới, bao gồm cả những thị trường lớn hơn Thụy Điển rất nhiều như Mỹ. IKEA cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ Việt Nam để phân phối trên toàn cầu. Những hoạt động này không được thể hiện trong số liệu thống kê thương mại song phương Việt Nam - Thụy Điển, do đó, tôi cho rằng những con số này chưa phản ánh đúng quy mô thực sự của quan hệ thương mại giữa hai nước.

Như vậy, các doanh nghiệp Thụy Điển đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam và tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương.

Thụy Điển, một quốc gia chỉ với khoảng 10 triệu dân là cái nôi của rất nhiều thương hiệu toàn cầu như Spotify, H&M, Volvo, IKEA, Tetra Pak. Bí quyết nào giúp Thụy Điển ươm mầm những doanh nghiệp thành công như vậy, và Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm này?

Đại sứ Ndisi: Theo tôi, luôn khó để nhìn nhận đất nước của mình một cách khách quan, nhưng tôi cho rằng những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công đó là sự chú trọng vào giáo dục, nghiên cứu, văn hóa đổi mới sáng tạo, dám thử nghiệm và chấp nhận thất bại. Đằng sau mỗi thành công là vô số lần thất bại và quá trình thích ứng không ngừng.

Thụy Điển là một quốc gia định hướng xuất khẩu, tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các trường đại học và người dân đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Chúng tôi dành một phần ngân sách đáng kể cho nghiên cứu và phát triển, và điều đáng chú ý là 2/3 kinh phí nghiên cứu tại các trường đại học đến từ khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp coi việc đầu tư vào nghiên cứu là đầu tư cho tương lai. Tầm nhìn dài hạn chính là chìa khóa thành công.

Việt Nam có những nền tảng rất tốt, cởi mở với kinh doanh và coi trọng giáo dục. Khi hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước ngày càng phát triển, việc tập trung vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt.

Đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng của Thụy Điển về cách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là người dẫn đầu

Đại sứ có nhắc đến việc khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam thường hướng đến việc thu hút các tập đoàn lớn. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Thụy Điển lại có nền kinh tế dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Liệu Đại sứ có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Đại sứ Ndisi: Thụy Điển nổi tiếng với khả năng đổi mới sáng tạo. Tôi tin rằng chúng tôi đứng thứ hai trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong 10 năm qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Thụy Điển đã chào đón thêm nhiều công ty mới, thậm chí có lẽ còn nhiều hơn tổng số công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan cộng lại.

Các tập đoàn lớn thường không phải là những đơn vị tiên phong trong việc đổi mới, thay vào đó, các công ty nhỏ hơn mới là những người dẫn đầu. Đó là nơi mà sự đổi mới thực sự diễn ra. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động linh hoạt, năng động và đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự đổi mới. Họ là những người đưa ra những ý tưởng mới, và thường được các tập đoàn lớn mua lại vì lý do đó. Họ có vai trò vô cùng quan trọng, và chúng tôi luôn chú trọng hỗ trợ những đơn vị đổi mới sáng tạo này. Họ là nhân tố quan trọng đối với toàn bộ hệ sinh thái kinh tế và góp phần mang đến những công nghệ và giải pháp mới cho Việt Nam.

Đối với Việt Nam, sự hiện diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thuỵ Điển có thể hỗ trợ đất nước các bạn vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và phát triển bền vững bằng cách nhanh chóng áp dụng những giải pháp tiên tiến nhất.

Câu hỏi tiếp theo của tôi liên quan đến lĩnh vực mà Thụy Điển đang dẫn đầu, đó là chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Theo Đại sứ, kinh nghiệm của Thụy Điển trong lĩnh vực này có thể đóng góp như thế nào vào quá trình tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh?

Đại sứ Ndisi: Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh là một tín hiệu rất đáng mừng. Tất cả chúng ta đều cần chung tay hành động vì một thế giới xanh hơn - đây là một vấn đề mang tính toàn cầu.

Nếu Thụy Điển có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này, việc hỗ trợ Việt Nam là điều chúng tôi mong muốn. Hơn nữa, hợp tác với Việt Nam cũng là cơ hội để chúng tôi học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bạn. Thụy Điển có thế mạnh trong cả chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.  Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển với những bí quyết công nghệ và khả năng đổi mới sáng tạo đã có mặt tại Việt Nam và sẵn sàng mở rộng hợp tác hơn nữa.

Tôi tin rằng Hitachi Energy đang tham gia vào các dự án phát triển lưới điện tại Việt Nam. Việc hiện đại hóa lưới điện là vô cùng quan trọng bởi hệ thống lưới điện cũ kỹ gây thất thoát rất nhiều năng lượng, và đây là một thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới.  Đây là những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, nhưng lại có ý nghĩa then chốt.

Thụy Điển có thể cung cấp các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính để giúp Việt Nam giảm thiểu chi phí đầu tư. Chúng tôi đang trao đổi với Chính phủ Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực chuyển đổi xanh.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực như chính phủ điện tử, ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và 5G. Ericsson là một tập đoàn công nghệ của Thụy Điển hợp tác triển khai mạng 5G tại Việt Nam. Đại sứ có thể cho biết thêm về những hoạt động của Ericsson cũng như những tiến triển khác trong lĩnh vực này không?

Đại sứ Ndisi: Ericsson là một đối tác lâu năm của Việt Nam, đồng hành cùng các bạn từ thời kỳ 2G, 3G, 4G và giờ là 5G.  Họ đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành viễn thông.  Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn một đối tác tin cậy như Ericsson cho việc triển khai mạng 5G.

Ericsson cũng hợp tác chặt chẽ với các trường Đại học như RMIT Việt Nam trong việc thành lập các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo, qua đó trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng công nghệ cần thiết. Họ cam kết đồng hành lâu dài cùng Việt Nam trên con đường phát triển.

Với nền tảng 5G, Việt Nam có thể khai thác tiềm năng to lớn trong nhiều lĩnh vực như cảng biển, sân bay, sản xuất ô tô, robot, khai thác mỏ. Tất cả các lĩnh vực này đều đòi hỏi một mạng lưới mạnh mẽ và ổn định.  Ví dụ, tại một cảng biển, 5G cho phép định vị ba chiều, giúp xác định phương án tối ưu để di chuyển container một cách hiệu quả. Điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành. 

Gần đây, Hội đồng Doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho thấy mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các doanh nghiệp công nghệ Thụy Điển đang ngày càng được củng cố, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc ứng dụng công nghệ vào quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

thuy dien mong muon tro thanh doi tac cua viet nam trong qua trinh chuyen doi xanh va chuyen doi so 20241207233316.webp
Hội thảo "55 năm quan hệ Việt Nam - Thụy Điển: Thành tựu và Triển vọng" do Bộ Ngoại giao tổ chức vào tháng 12/2024. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam

Nhìn về tương lai quan hệ song phương

Gần đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức hội thảo "55 năm quan hệ Việt Nam - Thụy Điển: Thành tựu và Triển vọng". Đại sứ có thể chia sẻ nội dung chính của hội thảo này, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như những lĩnh vực tiềm năng cho sự hợp tác trong tương lai?

Đại sứ Ndisi: Năm nay là một năm đặc biệt, và tôi may mắn được đến Việt Nam đúng vào dịp này. Hai nước đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng. Trước hết, tôi muốn nhắc đến hội thảo mà bạn vừa đề cập, do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức.

Hội thảo đã điểm lại những thành tựu nổi bật trong 55 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là một diễn đàn quan trọng, nơi các bộ, ngành hai bên cùng trao đổi về những hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ giao lưu văn hóa, giáo dục, thương mại, kinh tế, phát triển bền vững cho đến đối thoại chính trị. Hội thảo đã cho thấy mối quan hệ song phương Việt Nam - Thuỵ Điển sâu rộng và đa dạng như thế nào.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có chuyến thăm chính thức Thụy Điển vào tháng 11 vừa qua; Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Thụy Điển cũng đã đến thăm Việt Nam vào tháng 5; và Thứ trưởng Bộ Thương mại Thụy Điển đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 4. Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh các CEO Bắc Âu lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 năm vừa qua, với sự tham gia của 150 CEO đến từ các tập đoàn lớn của Thụy Điển và các nước Bắc Âu. Sự kiện này đã góp phần nâng cao đáng kể vị thế của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp Thụy Điển.

Như vậy, chúng ta có một nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển mối quan hệ song phương trong năm thứ 56 và những năm tiếp theo. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển năng động với nhiều tiềm năng kinh tế. Thụy Điển là một trong những nền kinh tế năng động và sáng tạo nhất châu Âu, và cả hai nước đều coi trọng xuất khẩu. Chúng ta có chung quan điểm về thương mại tự do và tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong việc giảm thiểu hàng rào thuế quan. Nói cách khác, hai nước chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung.

Cuối cùng, xin được hỏi về những ưu tiên của Đại sứ trong những năm tới tại Việt Nam. Đại sứ có đặt ra mục tiêu cụ thể nào cho nhiệm kỳ của mình không?

Đại sứ Ndisi: Tôi mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa hai nước, tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cả cấp độ chính phủ và giữa các doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những lĩnh vực then chốt, và bởi đây là những thách thức chung của toàn cầu, hợp tác là giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu những bí quyết công nghệ và kinh nghiệm quý báu có thể hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác trong việc giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu nhân dân. Những hoạt động trao đổi văn hóa, trao đổi sinh viên và các sự kiện như chuyến lưu diễn sắp tới của ban nhạc cover ABBA sẽ giúp gắn kết người dân hai nước. Những kết nối này góp phần xây dựng và thắt chặt mối quan hệ song phương trên nhiều phương diện. Biết đâu một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy một cửa hàng IKEA tại Việt Nam – đó sẽ là một minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển.