Sáng 13/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023 - 2026.
Với sứ mệnh là người đại diện cho Đảng và Nhà nước tại nước sở tại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các Trưởng cơ quan đại diện luôn quán triệt sâu sắc và triển khai tốt những nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong các nghị quyết, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021).
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, bảo bối của ngoại giao các nước và nhất là Việt Nam ta chính là sức mạnh tổng hợp. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh sức mạnh tổng hợp này là sự kết hợp của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, do đó, phải tiếp tục nâng tầm ngoại giao để đóng góp tích cực hơn vào việc nâng cao hơn nữa uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối ngoại phải luôn gắn với đối nội, do đó, làm bất cứ điều gì cũng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương trong đó có các diễn đàn liên nghị viện...
Công tác đối ngoại phải góp phần tích cực vào bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia “từ sớm, từ xa”, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải luôn ghi nhớ và thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ.
Cùng với đó, phải luôn nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, nhất là trong bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các Trưởng cơ quan đại diện và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trưởng các cơ quan đại diện cần thực hiện tốt Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Làm tốt công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm cho đồng bào, kiều bào thực sự hướng về quê hương đất nước, củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phân tích một số tình hình nổi bật tại địa bàn phụ trách của các Trưởng cơ quan đại diện lần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước là Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện; tăng cường triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.
Tại địa bàn châu Âu (Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan) cần tích cực phối hợp, thúc đẩy các nước châu Âu còn lại phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) và Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tại các địa bàn châu Phi, châu Mỹ và Nam Á (Nam Phi, Nigeria, Angeria, Angola, Canada, Brazil, Venezuela, Bangladesh) cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới.
Tại địa bàn Đông Nam Á (Malaysia, Brunei) là láng giềng gần gũi, phải coi trọng duy trì quan hệ đoàn kết gắn bó, song phương và trong khuôn khổ ASEAN; tăng cường tham vấn phối hợp về những vấn đề chung có tác động đến lợi ích an ninh sát sườn của ta và khu vực, trong đó có các vấn đề trên biển; cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển.
Ngoại giao cũng chính là cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vừa phải có trách nhiệm, mềm dẻo nhưng đồng thời cũng phải giữ vững nguyên tắc của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.