Hôm nay (6/7), Bảo tàng ngoài công lập ở Hà Nội mang tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính thức mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm nhân dịp tưởng niệm 56 năm ngày mất của Đại tướng (6/7/1967- 6/7/2023).
Bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm), nơi Đại tướng và gia đình đã ở giai đoạn 1955-1986. Tại ngôi nhà ấy, gia đình Đại tướng nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và cũng là nơi diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp thống nhất đất nước.
Trong thời gian từ nay đến tháng 12, Bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước và khách tham quan để hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành ngày 1/1/2024 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng (1/1/1914 - 1/1/2024).
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội có tổng diện tích 500m2, gồm: khu trưng bày, phòng hội thảo, xem phim, đọc sách; văn phòng và kho; các công trình phụ trợ…
Hệ thống trưng bày ngoài không gian khánh tiết còn bao gồm 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối.
Bảo tàng giới thiệu 670 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, 23 pho tượng đồng gắn với các nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam, 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam; trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng...
Chứa đựng cả một thời kỳ lịch sử
Trung tướng Hữu Ước, người có mặt tại Bảo tàng từ rất sớm, chia sẻ cảm nhận:
“Tôi là người lính, khi có trưng bày hiện vật, hình ảnh về những vị danh tướng, bao giờ chúng tôi cũng tìm đến. Với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi thấy đây là nơi tập trung những hiện vật, tác phẩm nói về cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng một cách đầy đủ nhất.
Bảo tàng này thể hiện 3 yếu tố rõ ràng nhất về Đại tướng, trước hết là Đức. Những hiện vật, hình ảnh… nói lên sự đức độ, tình nghĩa, lối sống của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thứ hai là Trí, hành trình cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với Trí và Dũng, văn võ song toàn. Ông là vị tướng gánh vác trọng trách rất lớn trong sự nghiệp của dân tộc và đất nước.
Hôm nay tôi đến rất sớm, chứng kiến những người lính trẻ, các cháu học sinh đã tới tham quan Bảo tàng. Tôi cảm nhận rằng, người lính nào bước chân tới đây đều rung động, đều tự cảm nhận phải noi theo và học tập Đại tướng. Đây là Bảo tàng rất giá trị về ý nghĩa giáo dục. Mong là ở quê hương nào, vùng đất nào, Việt Nam đều có anh hùng, thì đều có bảo tàng để góp phần tích cực trong giáo dục ý thức, truyền thống lịch sử với thế hệ trẻ”.
Còn nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Đây không phải là bảo tàng tư nhân bình thường, bởi nó chứa đựng những giá trị không thể tính toán được, không phải là bảo tàng cổ vật hay những tác phẩm nghệ thuật, nó là của cả một thời đại lịch sử với một nhân vật lịch sử. Các bạn sinh viên tới đây sẽ học được rất nhiều. Bảo tàng này như một giáo cụ trực quan để học hỏi, cũng là cách giúp nhân lên hiệu quả của Bảo tàng”.
Đề cập về bảo tàng của gia đình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho hay: Được sự ủng hộ, chỉ đạo, giúp đỡ của thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và UBND TP Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được thành lập theo hình thức bảo tàng ngoài công lập.
“Các thành viên trong gia đình đóng góp để xây dựng bảo tàng với quy mô tối thiểu, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước. Về chức năng của bảo tàng, gia đình cũng không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của đất nước và quân đội”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.
Chiều 2/7/2022, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (địa chỉ tại số 144, Đường Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP. Huế) đã chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng trưng bài 395 tài liệu, hiện vật, hình ảnh nói về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những đóng góp quan trọng của Đại tướng cách mạng Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Tính đến tháng 6 năm nay, Bảo tàng đã đón và phục vụ gần 8.000 lượt khách tham quan, góp phần cùng các thiết chế văn hóa khác ở Thừa Thiên Huế làm tốt công tác tuyên truyền lịch sử truyền thống. |