Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết kết quả giám sát, hỗ trợ triển khai Hệ thống quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử đợt 1 năm 2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại 5 huyện Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jút, Đắk R’lấp, cho thấy 100% trạm y tế xã, thị trấn đã đa dạng hóa loại hình và hình thức truyền thông.

Theo đó, các hình thức được triển khai như: tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của địa phương, tư vấn trực tiếp cho người dân đến khám tại trạm y tế, tổ chức các buổi sinh hoạt của thôn; lồng ghép công tác tải app (ứng dụng) cho người dân với các chương trình sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường, lao, ung thư…

W-dantoc-nongthon-2.png
Bà con đồng bào dân tộc, nông thôn được quan tâm chăm sóc sức khỏe. 

Có 4/5 huyện đạt tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe trên 90% gồm: Đắk Song: 98,47%, Đắk Mil: 98,03%, Krông Nô: 95,01%, Cư Jut: 94,64%, chỉ riêng huyện Đắk R’lấp đạt 87,92%. Việc quản lý, tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người dân thông qua bệnh nhân tới khám hàng ngày tại Trạm Y tế, Trung tâm Y tế và bệnh nhân tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác.

Sổ khám chữa bệnh điện tử là một cấu phần của Hồ sơ sức khỏe điện tử, để ghi triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử là một trong các tiêu chí chỉ tiêu được đặt ra trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, vùng Tây Nguyên, tỷ lệ này trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (tiêu chí 15) là từ 50% trở lên; còn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao (tiêu chí số 14), tỷ lệ này là từ 70% trở lên.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử hiện nay được Sở Y tế xác định là công tác cập nhật thông tin tại một số xã chưa được thực hiện thường xuyên, chưa cập nhật đầy đủ các phần thông tin khám chữa bệnh chuẩn vào hệ thống hồ sơ quản lý.

Nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế không cao, ảnh hưởng đến tiến độ lấp đầy các phần thông tin của hồ sơ sức khỏe. Bên cạnh đó, việc đồng bộ và liên thông dữ liệu trên các phần mềm tiêm chủng chưa được đổ về hồ sơ sức khỏe điện tử, các trạm y tế phải thực hiện nhập liệu thủ công, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.

Mặt khác, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh, một lúc cài đặt quá nhiều ứng dụng trên điện thoại, người dân, đặc biệt là người cao tuổi, không thành thạo các thao tác cài đặt, sử dụng... cũng là những yếu tố khiến việc triển khai thực hiện đánh giá chỉ tiêu tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại một số đơn vị xuống cấp, chưa có máy tính riêng dùng cho nhập hồ sơ và quản lý hồ sơ sức khỏe cho người dân. Các trạm y tế sử dụng 4 phần mềm trong công tác quản lý y tế với các nhà cung cấp khác nhau cũng gây khó khăn trong hỗ trợ kỹ thuật bảo trì bảo dưỡng.

Một số xã có sự biến động lớn về nhân khẩu và hộ khẩu nên việc theo dõi và quản lý dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn...

Bên cạnh những khó khăn còn tồn tại, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông năm 2023 đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, đổi mới đóng vai trò quan trọng trong hoạt động y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần giảm tải cho tuyến trên. 60/60 xã có trạm y tế đủ điều kiện, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên.

Hữu Hải và nhóm PV, BTV