Chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy, từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, năm 2022 Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Tính đến tháng 6/2023, tổng đàn lợn đạt 24,68 triệu con.
Lượng lợn hơi xuất chuồng năm 2021 tương ứng gần 47,9 triệu con, năm 2022 khoảng 50,7 triệu con. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá thịt lợn mấy năm trở lại đây biến động mạnh. Tháng 1/2021-6/2022, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30-50%, duy trì ở mức thấp sau đó có xu hướng tăng dần, nhưng người nuôi vẫn thua lỗ.
Từ tháng 7-9/2022, giá tăng cao đỉnh điểm 61.000-68.000 đồng/kg, sau đó giảm dần, sang tháng 3/2023 còn 49.000 đồng/kg. Ở ngưỡng giá này, cả nông hộ và doanh nghiệp chăn nuôi đều chịu lỗ nặng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Cũng may, cuối tháng 4 giá lợn phục hồi, đến tháng 6 năm nay giá đạt 59.000 đồng/kg, người nuôi lợn đã hòa vốn. Sang tháng 7, giá vọt tăng lên 60.000-67.000 đồng/kg tùy thời điểm, chăn nuôi lợn chính thức có lãi.
Tại hội nghị "Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới" sáng 27/7, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đánh giá, ngành chăn nuôi những năm qua gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng giảm nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện sản lượng lợn nuôi tại nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.
Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.
Theo ông Đăng, số lượng hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ông khẳng định, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ từ bao đời nay. Tuy nhiên, các hộ nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh, trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp.
Còn muốn đứng vững, độc lập, các hộ chăn nuôi buộc phải tiến tới chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với du lịch.
Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu, xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn… Ông Đăng nêu một loạt giải pháp cho ngành chăn nuôi, như: đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; xây dựng chuỗi liên kết; quản lý giống lợn hiệu quả; phát triển các giống bản địa, đặc hữu; kiểm soát môi trường; áp dụng các công nghệ cao,... tiến tới xuất khẩu.
Không chỉ có thịt luộc, kho tàu... phải chế biến sâu
Đề cập tới thị trường tiêu thụ, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nhận định, thị trường thịt lợn có tiềm năng lớn, đặc biệt về xuất khẩu.
Nước ta có 67 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích... ), chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) được đầu tư. Tuy nhiên, quy mô chế biến chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng sản xuất.
Ông Hòa đề xuất, cần xác định rõ chính sách để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn các kênh phân phối, tiêu thụ; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu. Đồng thời, tổ chức tốt hệ thống phân phối, rút ngắn các chuỗi cung ứng; kiểm soát thị trường hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách nghĩ cách làm. Đừng nghĩ đầu tư chỉ để phục vụ thị trường 98 triệu dân trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu.
"Nông sản của nước ta đã xuất khẩu sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế nên, ngành hàng thịt lợn đừng chỉ nghĩ thị trường trong nước. Doanh nghiệp phải đi tiên phong, nông dân không thể nào tự xuất khẩu được. Muốn vậy phải chế biến sâu", ông Tiến nhấn mạnh và dẫn chứng, Tập đoàn Masan làm sản phẩm chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao hơn 30%.
Các doanh nghiệp mới nghĩ tới thịt lợn hơi, không làm thịt mát, không chế biến sâu, không giò chả... Trong khi, tiềm năng lợi thế của ngành chăn nuôi còn rất lớn.
Năm ngoái, ngành chăn nuôi mới xuất khẩu được 409 triệu USD, 6 tháng đầu năm nay được 232 triệu USD. Phải đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, chế biến sâu, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn là giải pháp căn cơ nhất để nâng cao sức tiêu thụ. Còn ngày nào cũng chỉ nghĩ đến thịt luộc, kho tàu và mấy món khác... không thể ăn hết được, Thứ trưởng Tiến lưu ý.
Cùng với đó, muốn nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm thịt lợn, không chỉ con giống mà cần chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn. Năng suất ngô của cả nước khoảng 4 triệu tấn, không thể nhập ngô, nhập đậu tương mãi. Cần có định hướng lâu dài, tránh tình trạng “ăn đong”, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi quyết định tới gần 70% giá thành.