Giống như một đám cưới làng quê bình thường ở miền bắc Trung Quốc, người dẫn chương trình phát biểu trước hàng chục người thân và bạn bè của cô dâu chú rể.
"Chúng ta hãy chúc mừng cặp đôi tổ chức lễ cưới long trọng ngày hôm nay và chúc họ hạnh phúc trọn đời", người dẫn chương trình nói.
Nhưng cuộc hôn nhân giữa "cặp đôi mới" chỉ kéo dài vỏn vẹn một ngày.
"Hôn nhân một ngày" đang là xu hướng ở các vùng nông thôn của tỉnh Hà Bắc. Những người đàn ông ế vợ sẵn sàng chi nhiều tiền để thuê người làm đám cưới giả. Mục đích của họ là sau này sẽ được vào chôn cất cùng phần mộ tổ tiên khi qua đời.
Theo phong tục địa phương, nếu một người chưa từng kết hôn thì không được chôn cất cùng phần mộ với tổ tiên. Họ cho rằng nếu người chưa từng lập gia đình chôn cùng khu mộ tổ tiên, thì trong gia tộc, từ thế hệ này đến thế hệ khác, vẫn luôn có người ế như vậy. Điều này có thể làm hỏng "phong thủy của gia đình".
"Hôn nhân một ngày" là giải pháp cho những người đàn ông độc thân trong khu vực. Họ không cần giấy đăng ký kết hôn, không cần phòng tân hôn, chỉ tổ chức một lễ cưới đơn giản để coi như đã lập gia đình.
Từ đó, các "cô dâu một ngày" xuất hiện để đáp ứng nhu cầu. Bà mối họ Wu cho biết có nhiều "cô dâu chuyên nghiệp" phục vụ trong các đám cưới như vậy.
Để thuê cô dâu, người đàn ông phải chi ra 500 USD và thêm khoảng 139 USD cho phí môi giới. Các cô dâu sẽ đi cùng chú rể đến thăm mộ tổ tiên của gia đình nhà trai để "báo cáo" người này đã "kết hôn".
Cô dâu Tian 48 tuổi, bắt đầu làm việc cho bà mối Wu vào năm 2021. Vì cần tiền để chu cấp cho chồng và con trai, cô nhận lời làm đám cưới giả cùng chú rể họ Song. Cô cho biết gia đình không biết về công việc bán thời gian của cô. Cô thường che giấu danh tính thật bằng cách trang điểm đậm và đội tóc giả trong đám cưới, theo MSN.
Dịch vụ ở vùng nông thôn này được so sánh với dịch vụ cho thuê bạn trai hoặc bạn gái, từ lâu đã trở nên phổ biến trong giới trẻ. Họ là những người đang cố gắng tìm cách giảm bớt áp lực hôn nhân từ cha mẹ.