'Full' lịch hẹn đến cuối tháng 5, sang đầu tháng 6
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày vừa qua tại các trạm đăng kiểm ở Hà Nội và những tỉnh lân cận không còn tình trạng xe xếp hàng dài chờ đăng kiểm. Lý do là các trạm đã phát phiếu hẹn (trực tiếp, qua app) cho chủ phương tiện.
Thay vì cảnh "ăn trực nằm chờ" ở trước cửa trung tâm thì hiện nay các chủ phương tiện lại rơi vào cảnh ùn ứ trên app. Hầu hết các trung tâm đã phát phiếu hẹn, lịch hẹn qua app đến hết tháng 5, thậm chí có nơi đã chuyển lịch đến đầu tháng 6.
Có xe tải 1,25 tấn chở hàng, chị M. (Hà Nội) kể biết trước tình hình căng thẳng tại các trung tâm đăng kiểm nên đã đặt lịch khám xe qua app trước 25 ngày. Hệ thống xác nhận lịch thành công tại trạm đăng kiểm ở Mê Linh, chị M. ung dung chờ đến ngày mang xe đi khám.
Trước hẹn 4 ngày, chị M. nhận tin trạm mình đăng ký bị đóng cửa. Chị lập tức tìm đến các trạm khác ở Hà Nội qua app thì đều nhận được thông báo đã kín lịch đến giữa tháng 6. Tiếp tục tìm đến những tỉnh xung quanh nhưng tình hình cũng không khả quan hơn.
Đặt qua app không được, chị M. quyết định gọi trực tiếp. Hàng loạt số điện thoại được chị gọi, tất cả đều không có người bắt máy dù chuông vẫn đổ từng hồi.
Mấy ngày sau, qua app, chị M. nhận được lịch khám xe từ một trạm ở TP Hưng Yên vào ngày 12/4. Thở phào yên tâm, đúng lịch chị M. đưa xe đi. Đến nơi, chị lại bị từ chối. Chìa thông báo trên app, nhân viên giải thích đó là “app nhận chứ thực tế trạm đầy rồi, không thể nhận thêm” đồng thời viết cho cô phiếu hẹn vào ngày 4/5.
Xe chỉ còn 1 ngày cuối cùng để chạy trên đường, chị M. đành quay về Hà Nội. Công cuộc gọi điện, tìm kiếm qua app lại lặp lại. Một trạm ở TP Cao Bằng nghe máy nhưng cũng hẹn chị vào gần cuối tháng 5.
Tương tự M., chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết theo lịch thì xe của gia đình đến ngày 5/5 là đến hạn đăng kiểm. Lo xa, chồng chị đưa xe đi đăng kiểm từ 20/4.
“5h sáng chồng tôi mang xe đi xếp lốt đầu tiên rồi ung dung ngồi trong xe đọc báo. Đến 6h thấy nhiều xe khác đến cứ thi nhau đưa điện thoại cho nhân viên kiểm tra. Lúc đầu ông xã cũng thắc mắc nhưng lại chủ quan không hỏi. Đến lúc nhân viên kiểm định hỏi lịch hẹn của anh đâu thì ông xã mới mắt chữ A mồm chữ O xách xe về”, chị Vân Anh kể lại.
Khốn khổ hơn, khi quay về vào app để đăng ký thì tất cả các trạm ở Hà Nội đều đã full lịch đến tận đầu tháng 6. Vân Anh cho biết, từ nay đến trước dịp nghỉ lễ sẽ cố gắng đặt lịch các trạm ở quanh Hà Nội. Cô hy vọng, có thể có nơi nào đó trống chỗ để gia đình yên tâm đi nghỉ.
Tại TP.HCM tình trạng diễn ra tương tự. Trong văn bản vừa được gửi tới Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM Bùi Văn Quân kiến nghị cần có giải pháp gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp.
Bởi trên thực tế, tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn còn diễn ra phổ biến gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.
Trong đó, có doanh nghiệp hội viên phản ánh, ngày 23/4 phương tiện đến hạn kiểm định. Doanh nghiệp đã chủ động đến trước thời gian hết hạn 15-30 ngày để lấy lịch hẹn đăng kiểm.
Tuy nhiên, Trung tâm Đăng kiểm số 50-04V hẹn đến ngày 17/5 mới được vào đăng kiểm. Doanh nghiệp này rất bức xúc khi lịch khám quá trễ so với nhu cầu của doanh nghiệp nhưng trung tâm đăng kiểm cũng không có thông tin hỗ trợ việc phương tiện trong thời gian chờ đợi được lưu hành tạm.
Một doanh nghiệp khác, ngày 12/4 đến Trung tâm Đăng kiểm 62-02D để đăng ký thì nhận được thông báo dán trên tường ngưng nhận hồ sơ đăng ký kiểm định đến ngày 25/4.
Kiến nghị cho phép ô tô gia đình tự động gia hạn
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, theo phản ánh từ các hiệp hội thành viên và hội viên trực thuộc Hiệp hội, tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đặc biệt ở những thành phố lớn vẫn xảy ra tình trạng ách tắc, phương tiện vẫn phải chờ đợi, “xếp hàng” cả trước cửa các trạm đăng kiểm và trên hệ thống đăng ký trực tuyến.
“Nhiều phương tiện phải chờ đợi nhiều ngày mới thực hiện đăng kiểm được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại của người dân”, ông Quyền nêu.
Đánh giá cao việc ra đời Thông tư 02/2023 đã có tác động tích cực khi miễn đăng kiểm lần đầu đối với xe mới, tuy nhiên theo ông Quyền số lượng phương tiện thuộc đối tượng miễn lần đầu mỗi năm chỉ khoảng trên 500 nghìn xe.
“Số xe mới này lại rải rác đều trong năm. Do đó, nhóm phương tiện này không đủ tác động làm giảm tình trạng quá tải và ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm hiện nay”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, theo số liệu công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có 3,1 triệu xe không kinh doanh vận tải (xe gia đình) được giãn chu kỳ kiểm định nhưng phải đến chu kỳ kiểm định tiếp theo mới được thực hiện quy định này. Do vậy số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn, tình trạng quá tải tại các trạm đăng kiểm vẫn không suy giảm.
Để tháo gỡ khó khăn trong đăng kiểm đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải ngay từ chu kỳ đăng kiểm hiện tại.
“Nghĩa là khi xe thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định theo thông tư 02/2023 thì chủ phương tiện chỉ mang theo các giấy tờ cần thiết gồm đăng ký xe, sổ kiểm định đến trạm đăng kiểm để làm thủ tục và được cấp tem kiểm định mới phù hợp với thời gian được gia hạn”, ông Quyền nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu phương án này được thông qua thì sẽ giảm đáng kể lượng xe đến đăng kiểm, giải quyết tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Ngoài ra, ông Quyền cho rằng, cần thiết có ứng dụng đặt lịch đăng kiểm chính thống và riêng của TP.HCM để đơn vị dễ dàng hơn trong việc hẹn lịch đăng kiểm, trường hợp các đơn vị đã có số thứ tự nhưng không đến đăng kiểm, đề nghị có chức năng thông báo để doanh nghiệp số thứ tự sau liền kề được biết và đôn lên thế chỗ, tránh mất thời gian.