Trong một đoạn video clip đầy cảm xúc được đăng tải ít ngày trước đây, streamer nổi tiếng trên YouTube và Twitch, Desmond Etika Amofah đã phải gửi tới những kẻ "làm phiền bản thân, chọc ngoáy vào tài khoản ngân hàng và cả cuộc sống riêng tư". Amofah là một người rất nổi tiếng trong cộng đồng game thủ hâm mộ Nintendo, cùng với đó là đăng tải hình ảnh của 5 khoản tiền khán giả donate cho anh về kênh stream trên Twitch, với khoản tiền 50 hay 100 USD.
Ngay sau đó, anh chàng này đã chỉ ra thêm 5 lá đơn khiếu nại gửi về tài khoản PayPal của anh. Tin xấu là, gã khán giả xấu tính đòi lại số tiền đã gửi về cho anh chàng này như một khoản tiền quyên góp. Tệ hơn cả việc trả lại tiền là Amofah cũng bị lấy mất không ít tiền phí chuyển khoản.
"Đối với những người làm sáng tạo như chúng tôi, chịu đựng tình trạng như thế này thật sự khiến cho cuộc sống của chúng tôi đảo lộn, vì hầu hết mọi thứ đều được chúng tôi giải quyết thông qua PayPal."
"Đòi lại tiền" (chargebacks), khái niệm này đã chẳng còn xa lạ gì khi một người gửi tới công ty tín dụng với yêu cầu lấy lại số tiền đã gửi cho một tài khoản khác trong trường hợp chủ tài khoản nghi ngờ đây là một giao dịch lừa đảo. Thế nhưng trong nhiều năm qua, những streamer, những người vốn sống dựa trên số tiền người hâm mộ quyên góp thông qua nhiều kênh trong đó có PayPal đã phải chịu đựng những kẻ phá đám bằng cách donate tiền cho họ, sau đó đòi lại.
Có thể có người cao hứng donate quá nhiều tiền và muốn xin lại, nhưng cũng có những kẻ muốn trêu tức và khiến streamer mất tiền khi đòi lại số tiền đã donate. Rất nhiều game thủ nổi tiếng đã từng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì đã không được nhận số tiền donate, lại còn mất thêm một khoản chi phí chuyển ngược lại tài khoản gốc.
Đương nhiên chargeback là một tính năng không thể thiếu để bảo vệ người sử dụng dịch vụ của họ khỏi lừa đảo. Thế nhưng việc những kẻ xấu tính lợi dụng tính năng này để phá hoại kênh stream lại là một vấn đề chưa có cách giải quyết toàn vẹn. Không phải streamer nào cũng phải chấp nhận mất tiền, đơn giản vì nếu kẻ chuyển khoản không chứng minh được những điều mờ ám xung quanh thao tác chuyển tiền, thì họ vẫn sẽ mất tiền như bình thường.
Đáng chú ý phải kể tới trường hợp của LegendaryLea. Một game thủ 18 tuổi đã donate cho cô tới 11.500 USD trong một buổi stream, và cô nàng này đã sung sướng đến mức bỏ cả chơi game để nhảy nhót trong phòng. Sau đó, khán giả xấu tính có nickname iNexus_Ninja này cố gắng chờ 1 tháng, để streamer tiêu một khoản trong số tiền khổng lồ đó, rồi mới đòi lại. Phí phát sinh khi PayPal đòi lại tiền trong trường hợp này là không hề nhỏ.
Quá đen cho thanh niên xấu tính, PayPal từ chối trả lại tiền sau khi Lea làm việc cùng đội ngũ quản lý của Paypal. Cô được toàn quyền sử dụng số tiền hơn 260 triệu Đồng này, còn gã game thủ thích nổi tiếng kia thì mất tới hơn 1 tỷ Đồng vì không chỉ bày trò chơi khăm Lea, mà còn dùng thẻ tín dụng của bố mẹ chơi khăm thêm vài streamer khác.
Điều khá tệ là Twitch không có cách nào để bảo vệ streamer của họ khi PayPal ra tay, vì họ cũng chỉ là một trong số rất rất nhiều bên sử dụng dịch vụ của PayPal.
Rõ ràng trong thời đại internet, những kẻ xấu tính không thiếu cách để phá rối công việc của những người khác, và bản thân streamer cũng phải đứng trước rất nhiều những vấn đề tiềm ẩn xoay quanh chuyện donate, thứ "tiền lương" gần như duy nhất mà họ dựa vào để tiếp tục đam mê phục vụ khán giả của mình.
Theo GameK