Những mặt bằng “chết”
Hàng xôi của bà Huỳnh Ngọc mới xuất hiện trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng (Quận 1, TP.HCM) cách đây gần 1 tháng. Lượng người đi làm, tấp xe vào mua xôi ăn sáng khá đông. “Mỗi ngày, tôi bán được gần 80 phần xôi cho khách. Khoảng 9h là hết hàng, về nghỉ”, bà nói.
Cách chỗ bà Ngọc đứng không xa là xe bánh canh của chị Trang. Người phụ nữ tới từ An Giang này mưu sinh nhờ những vỉa hè tại đô thị lớn nhất nước. Trừ chi phí nguyên liệu, chị thu về hơn 10 triệu đồng/tháng từ xe đồ ăn của mình.
Xe hàng rong có mặt trên đường Hai Bà Trưng ngày một nhiều. Họ có thể đứng bán hàng bởi sau lưng là các mặt bằng tiền tỷ đóng cửa, trên tường dán chi chít số điện thoại thông báo tìm người thuê.
Tại ngã ba Nguyễn Văn Chiêm giao Hai Bà Trưng, một mặt bằng lớn treo biển cho thuê. Cách đó chừng 50m, căn nhà 1 trệt 2 lầu số 139 Hai Bà Trưng cũng đề biển cho thuê, ở đây trước kia là một cửa hàng thời trang lớn. Đi thêm vài bước chân, văn phòng giao dịch của KSFinance tại góc ngã tư Trần Cao Vân giao Hai Bà Trưng đề biển cho thuê. Chạy theo đường Trần Cao Vân khoảng 200m tới khu vực Hồ Con Rùa, các thương hiệu F&B lớn như Saigon Casa Cafe, PhinDeli... cũng đã rời đi.
Mặt tiền những con đường trung tâm quận 1, thuận tiện cho việc giới thiệu, buôn bán sản phẩm, dịch vụ, chính là một phần biểu trưng cho sự sôi động của kinh tế TP.HCM.
Ở góc độ mặt bằng bán lẻ cho thuê, báo cáo thị trường quý I/2023 của Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM cho thấy, khách thuê có xu hướng tiếp tục bỏ trống và không gia hạn thêm hợp đồng tại các dự án ở ngoài trung tâm. Nguyên nhân chính là bởi lượng khách qua lại thấp tại những mặt bằng có vị trí thuê không tốt, cùng với đó là chính sách marketing và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư.
Theo thống kê của Savills, ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống; ngành hàng thời trang chiếm 21%; ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%.
Niềm tin của doanh nghiệp
Dẫu vậy, các con số không xấu hoàn toàn. Theo Cục Thống kê TP.HCM, sang tháng 5, một số ngành hàng và dịch vụ đang có sự chuyển biến tích cực như: Bán lẻ đồ dùng dụng cụ gia đình tăng 6,5%; bán lẻ các mặt hàng điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử tăng 8,4% sau khi giảm sâu trong 3 tháng đầu năm; dịch vụ lữ hành tăng 12,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,9% do dịp nghỉ lễ dài ngày... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 3,1% so với tháng trước; tăng 10,1% so với tháng 5/2022.
Cơ quan này dự báo tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý II là 5,87%, sau khi tăng trưởng ở mức 0,7% vào quý đầu năm. Mức tăng đột biến dựa trên chuyển biến về sản xuất công nghiệp và tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa, khiến đà tăng trưởng ngày càng khả quan hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo về kinh tế - xã hội tháng 5, ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, cũng thừa nhận, GRDP quý II của địa phương có thể tăng cao so với quý I, nhưng nếu so sánh với 63 tỉnh/thành thì chỉ số tăng trưởng của thành phố ở mức trung bình thấp (đứng thứ 35/63).
Đơn cử, đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM xếp sau Hà Nội (5,98%); Hải Phòng (10,45%). Ngoài ra, mức tăng trưởng 5,87% của địa phương cũng chỉ cao hơn 0,15% so với cùng kỳ quý II/2022.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 của TP.HCM gửi Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đạt 18.630, tăng 7,9%, nhưng quy mô về vốn giảm 21,2%; kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 13,4% so với tháng 4 nhưng giảm 19,5 so với cùng kỳ; quy mô, hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục xu hướng suy giảm.
Nguyên nhân được lý giải, kinh tế TP.HCM có độ mở lớn, trụ cột phát triển chính dựa trên hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, các khó khăn chung của thị trường từ đầu năm vẫn chưa giải quyết hết, việc thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, chậm thực hiện các dự án bất động sản vẫn đang diễn ra. Khó khăn kéo dài tác động đến niềm tin thị trường của cộng đồng doanh nghiệp.
Dù vậy, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, tốc độ tăng trưởng GRDP 0,7% trong quý I/2023 của TP.HCM đã chạm đáy và không thể có đáy thứ hai sâu hơn. Tình hình đang dần cải thiện. Chính quyền thành phố đang nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường, nhà ở và chỉnh trang đô thị.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho Nghị quyết 54 mới (nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM) sắp được Quốc hội bấm nút thông qua, địa phương cũng chuẩn bị song song hàng trăm đầu việc cần làm. Khi nghị quyết ra đời sẽ triển khai công việc ngay, chứ không chờ đến lúc đó mới bắt tay làm kế hoạch.
"Thành phố trước giờ mặc chiếc áo quá chật, khi chiếc áo được may rộng ra với nghị quyết mới, TP.HCM sẽ giải quyết được nhiều điểm nghẽn, tạo không gian phát triển lớn trong thời gian tới", ông Lịch đánh giá tại một tọa đàm do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức mới đây.