Doanh nghiệp bất động sản rút lui tăng cao
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những đánh giá số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phân theo loại hình, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2022, cả nước có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó có một số ngành có số lượng doanh nghiệp rút lui tăng cao như: Kinh doanh bất động sản (tăng 42,4%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 35,4%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 31,6%); Giáo dục và đào tạo (tăng 31,2%); Thông tin và truyền thông (tăng 28,5%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 23,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 19,9%); Xây dựng (tăng 18,8%),...
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đa phần có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỷ đồng) chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 101.732 doanh nghiệp, chiếm 71% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,6% so với năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 88.040 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp này tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng 47,1%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 32,8%); Vận tải kho bãi (tăng 28,6%); Xây dựng (tăng 25,5%),…
Điểm lại số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng: Kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022).
"Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng nhanh hơn so với số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường", Bộ KH-ĐT lưu ý.
Chính phủ và các bộ, ngành đang thực hiện quyết liệt các giải pháp một cách đồng bộ về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm thị trường, đơn hàng,... để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực có số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng trong thời gian qua.
Lý do doanh nghiệp khai sinh vốn ngày càng nhỏ
Nhiều ý kiến cho rằng quy mô vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2021, phản ánh những khó khăn lớn của khu vực tư nhân, nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận thực tế này và dẫn số liệu cho thấy, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm 2021. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là mức thấp nhất trong 5 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tình hình này vẫn tiếp diễn. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt mức 568.711 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 70% tổng số vốn cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 con số này là 778.327 tỷ đồng và năm 2022 là 761.035 tỷ đồng).
Nguyên nhân, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do những biến động nhanh, phức tạp, tiêu cực của tình hình thế giới ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế nước ta từ nửa cuối năm 2022, kéo dài sang năm 2023. Thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống cũng như vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế. Lãi suất cho vay cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, kênh huy động trái phiếu gần như đóng băng; sức chịu đựng của các doanh nghiệp bị bào mòn sau thời gian chống chịu đại dịch Covid-19.
Các yếu tố này cộng hưởng làm nghẽn dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế, tác động trực tiếp lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là nhỏ và vừa, mới thành lập, tình hình tài chính dễ bị tổn thương, không có tài sản thế chấp theo quy định nên khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Những biến động khó dự báo liên tiếp bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp, do vậy, doanh nghiệp cần được tiếp sức để vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển ổn định.
Trước hết, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng; đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa như giảm thuế, phí, gia hạn chính sách cho vay trả lương, hỗ trợ người lao động thuê nhà để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, có tiền duy trì sản xuất kinh doanh và giữ được người lao động.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là tổ chức thực thi chính sách của bộ máy hành chính các cấp phải thuận lợi hơn; giải quyết các quy định pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực.
Trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn và khó dự báo, ngoài sự hỗ trợ từ phía các quan quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch ứng phó với những tình huống bất ngờ hoặc các cuộc khủng hoảng chưa dự báo trước.