Trao đổi với VietNamNet về những nội dung đáng chú ý trong Thông báo kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, GS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh, tham nhũng là phản dân chủ, phản văn hóa.
"Bác Hồ còn nói tham nhũng là một tội ác phải nghiêm trị. Quyết tâm của Bộ Chính trị, của Trung ương gần đây trong việc đẩy mạnh chống tham nhũng rất được lòng dân", GS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Kết luận số 12 là Bộ Chính trị yêu cầu kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Để làm được điều này, theo ông cần phải làm gì?
Theo tôi, muốn xây dựng văn hóa không tham nhũng thì không có gì tốt hơn là giáo dục về đạo đức, thực hành đạo đức cách mạng cần - kiệm - liêm - chính.
Nhất là trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công chức có chức, có quyền phải rất chú trọng giáo dục danh dự, liêm sỉ. Khi biết nhục vì rơi vào tham nhũng thì người ta tự bảo vệ mình và tự khắc có khả năng chống được tham nhũng.
Ở Singapore, họ đưa vào giáo dục đạo đức trong toàn dân, toàn xã hội để coi tham nhũng là điều đáng xấu hổ nhất, không có đất sống trước sự phê phán của cộng đồng.
Chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các chính sách, cơ chế để không dám tham nhũng và không thể tham nhũng được. Tức là, có hàng rào luật pháp rất chặt chẽ. Và để không ai muốn tham nhũng vì phải trả giá rất đắt cả về cuộc sống, sinh mệnh và danh dự suốt đời.
Tóm lại, phải có cơ chế, chế tài đủ mạnh, cùng với giáo dục về mặt tư tưởng. Theo cách nói của ông cha ta là phải kết hợp tốt đức trị và pháp trị, nhất là đề cao pháp trị trong xây dựng nhà nước pháp quyền thì cán bộ mới không dám tham nhũng.
Phải thức tỉnh từ trong Đảng đến trong dân
Bộ Chính trị cũng yêu cầu, từng bước mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Thông qua những vụ việc gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, ông có cảnh báo điều gì về tình trạng tham nhũng ngoài khu vực công?
Những sự việc đó cho thấy chúng ta phải rất chú trọng phòng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Việc phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không trái với quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân - tức là khuyến khích mọi người dân tham gia sản xuất, phát triển kinh tế để tăng cường tiềm lực của xã hội.
Nhưng chúng ta phải kiểm soát bằng luật để làm sao không có sự lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm những điều bất minh, bất chính. Mà ở đây bất minh, bất chính không phải là chuyện nhỏ, với món tiền khổng lồ đâu mà là đất đai, cổ phần, cổ phiếu còn làm rối loạn điều hành kinh tế - xã hội, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Qua các vụ việc về kit test Covid, Tân Hoàng Minh, FLC cho thấy rõ càng phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, bất kể đó là ai.
Việc xử lý các “ông lớn” còn để tạo ra môi trường lành mạnh trong phát triển kinh tế. Chúng ta phát triển kinh tế nhưng phải lành mạnh; không phải vì kinh tế đơn thuần mà phải gắn chặt kinh tế vì cộng đồng xã hội, vì sự phát triển bền vững. Mà phát triển bền vững trước hết là phát triển hợp lý, đúng quy luật và không rơi vào những điều suy thoái đạo đức.
Như vụ Việt Á doanh nghiệp đã câu kết, thao túng được cả khu vực nhà nước, dẫn đến hiện tượng rất lo ngại là quan chức thoái hóa, biến chất rất dễ bị đồng tiền mua chuộc.
Cho nên, phải thực hiện cho được điều Đảng ta nói là kiên quyết ngăn chặn, xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng, lạm dụng quyền lực, chống lại nhóm lợi ích, bè phái. Quan chức càng phải nêu gương, liêm chính thì mới có thể dẹp được những tiêu cực như vừa rồi.
Tức là khi quan chức liêm chính thì doanh nghiệp có muốn móc nối để làm ăn phi pháp cũng khó?
Đúng vậy! Đó là sức mạnh tự bảo vệ từ bên trong, từ chính mình, giúp vượt qua những cám dỗ của tiền bạc, vật chất trước mắt, nhất thời, có thể rơi vào hậu quả tai hại.
Nhìn vào những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vừa rồi thấy họ mất tất cả, mất cả danh giá và quyền lợi vật chất.
Tất cả là do cán bộ đó yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh. Đạo đức trong sáng thì không vật chất, tiền bạc nào làm gì nổi. Ai thiếu bản lĩnh thì sẽ bị mua chuộc, thành tù binh, nô lệ bởi vật chất trước mắt nhưng phải trả giá lâu dài là mất hết mọi thứ.
Do vậy, phải thực tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ về điều này để họ tự bảo vệ lấy họ và tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Cho nên tôi nhắc lại là phải có một sự cảnh báo, phải có một sự thức tỉnh từ trong Đảng đến trong dân, trong nhà nước để con người bắt đầu làm việc, ứng xử phải luôn luôn chú trọng danh dự, phẩm giá và lương tâm để không làm bậy.
Rất nhiều vụ việc khác có “bóng dáng” của “sân sau” Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đồng tình đối với Kết luận số 12 của Bộ Chính trị. Theo ông, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước là rất cần thiết. Bởi tham nhũng giờ đây không chỉ là những vụ việc lẻ tẻ, mà còn “dây mơ rễ má”, với những mối quan lệ nhằng nhịt, như “vòi bạch tuộc” giữa quan chức và doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp hình thức là tư nhân nhưng thực tế lại là “sân sau” của quan chức nên luôn được “ưu ái”, kiếm được các hợp đồng, dự án béo bở của nhà nước. Điều cực kỳ nguy hại và đáng lo hơn là các “sân sau” khi đã kiếm được tiền thì lại “tài trợ” lại cho các quan chức để “chạy chọt” lên các chức vụ cao hơn, hoặc tác động vào các chính sách để tiếp tục trục lợi. Tình trạng này đã được Đảng cảnh báo nhiều lần, thậm chí có lãnh đạo cao cấp từng nói thẳng “có ông có đến 13-14 sân trước, sân sau”. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa được triệt để. Vụ Việt Á là biểu hiện của tham nhũng, hối lộ giữa doanh nghiệp tư nhân và cán bộ cơ quan nhà nước. Qua điều tra, kết luận bước đầu cho thấy, có trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, đơn vị, từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và rất nhiều CDC các tỉnh, thành. Vụ này cho thấy, mối quan hệ phức tạp giữa khu vực ngoài nhà nước với các quan chức, cần tiếp tục được làm rõ. Theo ông Sửu, có rất nhiều các vụ việc khác có “bóng dáng” của “sân sau” và mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước chính là làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và công bằng. Đây chính là biện pháp để bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính trước các “sân trước”, “sân sau” của quan chức. Nếu không dẹp được “sân trước”, “sân sau” thì doanh nghiệp chân chính làm sao cạnh tranh nổi. |
Thu Hằng
Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng văn hoá không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên
Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.Đảng viên không được thâu tóm quyền lực, không đòi thực hiện xã hội dân sự
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm gồm 19 điều.
Đảng viên tiêu cực, suy thoái là sóng ngầm đe dọa tồn vong của chế độ
Cán bộ, đảng viên tiêu cực suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là sóng ngầm bên trong, đe dọa sự tồn vong của chế độ.