Đạo luật Dữ liệu vừa được nghị viện và các quốc gia thành viên EU thông qua, đặt ra quyền và nghĩa vụ đối với Big Tech, cũng như những công ty sử dụng dữ liệu doanh nghiệp và người tiêu dùng ở khu vực này. Quy tắc mới tập trung vào dữ liệu tạo ra trong các thiết bị, máy móc và sản phẩm tiêu dùng thông minh.
Nhóm “DigitalEurope” (DE) bao gồm Airbus, Amazon, Google, GFK, Nokia, Qualcomm, Philips, SAP, Siemens và Sony cho hay, bộ luật về dữ liệu không đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp.
“Đạo luật này sẽ đặt cả ngành công nghiệp châu Âu vào thế bất lợi khi yêu cầu các công ty phải từ bỏ những dữ liệu khó thu thập, cũng như quyền tự do thương thảo hợp đồng. Điều này có thể dẫn đến làn sóng phi công nghiệp hoá mới và tạo ra những thách thức về an ninh mạng”, tổng giám đốc nhóm DE, Cecilia Bonefeld-Dahl cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông (CCIA) - nhóm vận động hành lang lĩnh vực công nghệ, nói rằng quy định mới gây bất lợi với những công ty bị coi là nền tảng trực tuyến lớn theo phân loại của EU, từ đó có thể hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng.
“Đạo luật nghiêm cấm người dùng tự ý chuyển dữ liệu tới các thiết bị hay dịch vụ kết nối bị xác định là thuộc vận hành của những doanh nghiệp công nghệ phổ biến”, CCIA lý giải.
Tổ chức này cho biết, việc thiếu những biện pháp bảo vệ thích hợp có thể dẫn đến tình trạng các đối thủ cạnh tranh tự do sử dụng dữ liệu của nhà sản xuất thiết bị và các công ty cung cấp dịch vụ.
Về phía khách hàng, Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) nhận định đạo luật mới không giúp ích gì nhiều đối với họ, do “EU đã trao cho các công ty quyền linh hoạt ngăn người dùng chia sẻ dữ liệu với những nhà cung cấp dịch vụ khác, chẳng hạn chỉ với việc dán nhãn cơ sở dữ liệu đó là bí mật thương mại”, phó tổng giám đốc BEUC Ursula Pachl khẳng định.
(Theo Reuters)