Nguyễn Thu Loan, sinh năm 1998, vừa tốt nghiệp chương trình thạc sĩ ngành Giảng dạy tiếng Anh (TESOL) tại Trường Đại học Hull, Anh.
Trở về nước hồi cuối tháng 1 năm nay, Loan quyết định thi IELTS và đạt điểm tuyệt đối 9.0 ở kỹ năng Nghe. Để đạt được kết quả này, Loan cho biết bản thân phải thử rất nhiều phương pháp trước khi tìm ra cách thức phù hợp nhất.
Khi bắt tay vào luyện kỹ năng Nghe của bài thi IELTS, Loan cũng mắc phải “sai lầm kinh điển” là không để ý đến việc phát âm, vì thế mỗi lần nghe một nội dung mới thường cảm thấy rất chật vật. “Phát âm chuẩn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến mức độ nghe hiểu, nhưng trước đây em thường chỉ chú trọng đến từ vựng và ngữ pháp”, Loan nói.
Ngoài ra, việc không “ngâm mình” trong ngôn ngữ này thường xuyên cũng khiến Loan gặp khó khi không thể nghe ra các từ, dù đó đều là những từ quen thuộc.
Để cải thiện điều này, ban đầu Loan cũng lựa chọn cách nghe thụ động thông qua việc tải đầy bộ nhớ những video, tài liệu, phim bằng tiếng Anh vào máy tính, điện thoại. Thời gian đầu cô hào hứng nghe, nhưng lâu dần cảm thấy “oải” vì tài liệu nhiều vô kể. Có khoảng trên 90% video, bộ phim được Loan lưu về rồi lại... để đó.
“Việc có quá nhiều tài liệu khiến em cảm thấy không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhận ra điều này, em quyết định bỏ hết và chuyển sang chỉ nghe podcast, tức buộc tai mình phải nghe và chỉ tập trung vào việc này thay vì đọc phụ đề như trong các video hay xem hình ảnh trên phim”.
Quãng thời gian tìm tòi, nghe rất nhiều podcast cũng khiến Loan tìm ra một podcast “ruột” để luyện nghe với các nội dung bản thân thấy hứng thú. Vì vậy, cô gần như không bỏ sót bất cứ tập nào.
“Something You Should Know là một podcast em theo dõi từ 4 năm trước. Nội dung của podcast này xoay quanh những sự thật thú vị trong cuộc sống, chẳng hạn: “Tại sao sự chịu đựng trong cuộc sống đôi khi là cần thiết”; “Sức mạnh của việc không chắc chắn”; “Tại sao chúng ta luyến tiếc những điều trong quá khứ” hoặc những kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, thời gian, sức khoẻ, công việc… Các khách mời trong podcast đều là những những chuyên gia hoặc nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới, vì thế có các góc nhìn khá thú vị”, Loan nói.
Theo dõi những podcast này không chỉ giúp Loan trau dồi thêm khả năng nghe mà còn tìm ra được nhiều ý tưởng mới cho phần Nói và Viết trong bài thi IELTS.
Bên cạnh việc nghe, Loan cũng kiên trì với việc luyện chép chính tả một số đoạn ngắn trong podcast để bản thân “nhạy” hơn với các nối âm, nuốt âm hay biến âm. Theo Loan, phương pháp chép chính tả sẽ rèn cho mọi người sự cẩn thận, tăng sự tập trung do phải nghe rất kỹ, kể cả những âm “s, ed” và những loại âm đuôi khác. Nhờ thế, thói quen nghe âm đuôi sẽ dần hình thành và sau một thời gian trở thành phản xạ.
“Quả thực, việc nghe chủ động kèm chép chính tả đã giúp em cải thiện khả năng tiếng Anh rất nhanh, từ cách phát âm, tăng thêm từ vựng hay ngữ pháp”, Loan chia sẻ. Nhờ vậy, Loan đã đạt 8.5 IELTS Listening trong lần thi đầu tiên và 9.0 trong lần gần đây.
Từ những trải nghiệm của mình, Loan cho rằng để cải thiện kỹ năng Nghe, điều quan trọng đầu tiên người học cần làm là phải chuẩn hoá cách phát âm, vì điều đó sẽ khiến việc nghe trở nên dễ dàng hơn. Cách dễ nhất để “chuẩn hóa phát âm” chính là học thông qua các video của giáo viên bản ngữ dạy từng âm trong bảng phiên âm IPA.
Ngoài ra, việc kiên trì chép chính tả, đặc biệt đối với những người mới bắt đầu, chính là “lối tắt” để nâng cao kỹ năng này. Thay vì nghe thụ động như xem phim, nghe nhạc, việc chép chính tả sẽ “bắt” tai phải nghe từng từ, từng âm để viết xuống chuẩn xác.
Theo Loan, hiện nay, có rất nhiều website để người học luyện nghe và chép chính tả, chẳng hạn ESL fast, trang web cung cấp lượng lớn tài liệu miễn phí, nội dung đa dạng gồm truyện ngắn, bài luận, các đoạn hội thoại. Hầu hết các tài liệu đều có bản ghi âm và transcripts phục vụ cho việc nghe – chép. Hay Listen a minute, trang web có các bài nghe khoảng 1 phút với đa dạng chủ đề, từ vựng cơ bản sẽ phù hợp cho những người bắt đầu...
“Việc lựa chọn nguồn nghe chuẩn, tìm được những nội dung bản thân yêu thích, hứng thú và nghe đều đặn hàng ngày chắc chắn sẽ giúp kỹ năng nghe cải thiện rõ rệt”, Loan nói.