Lời toà soạn: Cuối tháng 5/2017, trong chương trình “Vinh quang Việt Nam – 30 năm dấu ấn đổi mới” do Hội đồng bình chọn cấp Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, ông Đặng Văn Thân là 1 trong 18 cá nhân và 12 tập thể được vinh danh, ghi nhận có những đóng góp trong công cuộc 30 năm đổi mới đất nước. VietNamNet xin giới thiệu bài viết của tác giả Phương Anh Linh, được đăng trên Báo Bưu điện Việt Nam số 102+103 (ngày 26/8/2017).
Người của công việc
Những ngày tháng Tám này, gia đình ông Đặng Văn Thân, người thường được người trong ngành gọi với tên thân mật Ba Thân, lại tất tả đón khách thăm. Căn nhà nằm tại con hẻm nhỏ tại quận 10, TP.HCM của gia đình ông Ba Thân lại rộn rã tiếng nói cười. Khách đến thăm đa phần là các vị lãnh đạo của ngành Bưu điện, nhiều người đã về hưu nhưng cũng không ít vị đang tại chức. Họ đến thăm vị “tổng tư lệnh” Đặng Văn Thân như để tìm lại ký ức một thời về ngành Bưu điện.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hà, vợ ông Ba Thân cho hay, nhiều vị lãnh đạo cấp cao của ngành khi vào Nam công tác cũng không quên đến thăm ông, trong đó có người cộng sự thân thiết của ông trước đây là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Lần giở những kí ức về bố, chị Đặng Thị Nga, con gái ông Ba Thân và là nguyên Giám đốc Bưu điện TP.HCM cho hay, thuở chị còn bé phải làm quen với việc bố vắng nhà. Những chuyến công tác dài ngày trong nước lẫn nước ngoài gần như chiếm hết thời gian của ông. Ông không những là vị lãnh đạo được nhiều người trong ngành trân quý mà còn là tấm gương ham học cho các con noi theo. Chính ông là người đã “truyền lửa” để từ đó vợ ông cùng chị Nga và người con trai út là anh Đặng Văn Dũng đi theo ngành Bưu điện. Trong nhà chỉ có người con thứ là anh Đặng Văn Sơn đam mê với ngành xây dựng hơn.
Chị Nga chia sẻ, hầu như tuổi trẻ của bố chị đã gắn bó với ngành Bưu điện. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ và làm việc tại một đơn vị thông tin ở Quân khu 9. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi chuyển ngành về công tác tại Trạm Bưu điện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Làm việc tại đây được một thời gian, ông được về Hà Nội học văn hóa, rồi sau đó được cử đi đào tạo tại Liên Xô. Tốt nghiệp đại học ở nước ngoài vào năm 1966, ông trở về công tác tại Viện Khoa học – Kỹ thuật Bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện.
Ý chí ham học hỏi, chịu khó tìm tòi nghiên cứu của ông đã được nhiều người trong ngành biết đến. Nhà báo Nguyễn Tiến Linh, nguyên Trưởng đại diện Báo Bưu điện Việt Nam tại TP.HCM kể: Một lần, ông Ba Thân đi công tác ở Cuba về ngoài những tài liệu mang theo ông còn mua thêm một ít transistor (linh kiện bán dẫn) phòng khi máy móc trục trặc gì thì có để thay thế. Theo nhà báo Nguyễn Tiến Linh, ông Ba Thân được nhiều người trong ngành nhận xét là con người quyết đoán trong công việc, dám nghĩ dám làm, chân thành nhưng mạnh mẽ đúng chất người con quê hương Đồng khởi Bến Tre.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Ba Thân là một trong những người thuộc đoàn công tác ngành Bưu điện vào tiếp quản toàn bộ hệ thống Bưu chính Viễn thông của chính quyền Sài Gòn. Lúc ấy, ông được giao giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Viễn thông II.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hà nhớ lại ngày chồng nhận nhiệm vụ Quyền Tổng Cục trưởng rồi sau đó là Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện: Đó là vào năm 1984, có một vị khách đến nhà nói chuyện với ông, khi người này ra về thì gương mặt ông hiện rõ những nét suy tư. Gặng hỏi thì ông nói người vừa đến là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Vị này đến để động viên ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Đối với ông, chức vụ Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện khi ấy là trọng trách rất lớn. Nhưng được sự động viên của gia đình, ông quyết định ra Hà Nội nhận nhiệm vụ.
Dấu ấn để lại
Những năm 1980, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới với nhiều thách thức, ngành Bưu chính bước ra khỏi cơ chế bao cấp. Lúc bấy giờ, ngành Bưu chính Viễn thông đứng trước đòi hỏi phải đổi mới công nghệ và dịch vụ. Câu hỏi đặt ra là nên tiếp tục sử dụng công nghệ analog hay tiến thẳng lên công nghệ kỹ thuật số mà các nước phương Tây khi đó áp dụng. Trên cương vị Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, ông Ba Thân đã có những quyết định mang tính táo bạo, bứt phá khỏi cơ chế cũ.
Theo đó, dưới sự chỉ đạo của vị “tổng tư lệnh” Ba Thân, ngành Bưu điện khi ấy phát triển theo phương châm bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa, lấy viễn thông làm khâu đột phá.
Những kết quả đạt được sau đó là phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển máy móc, xây dựng ngành công nghiệp CNTT, các chỉ tiêu về tăng trưởng tài sản, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước… tăng trưởng xấp xỉ 20 lần so với những năm đầu thời kỳ đổi mới.
Về công nghệ hiện đại số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa, ông là người đề xướng chỉ đạo phong trào thi đua “Tăng tốc độ phát triển ngành Bưu chính Viễn thông” giai đoạn 1993-1995 và giai đoạn 1996-2000. Ngoài ra, ông còn tìm tòi và thực hiện nhiều biện pháp thu hút ngoại tệ và công nghệ cao của nước ngoài để đầu tư, phát triển ngành Bưu điện. Sáng tạo nhất có thể kể đến là phương thức thu cước các cuộc gọi từ người nhận ở nước ngoài hay đề xuất Nhà nước bảo lãnh các khoản vay nước ngoài cho ngành Bưu điện, sau đó ngành tự chi trả…
Với những thành tích đạt được như kể trên, ngành Bưu điện dưới thời “Tổng tư lệnh” Đặng Văn Thân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng khác.
Riêng bản thân ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2012.
Cuối tháng 5/2017, trong chương trình “Vinh quang Việt Nam – 30 năm dấu ấn đổi mới” do Hội đồng bình chọn cấp Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, ông Đặng Văn Thân là 1 trong 18 cá nhân và 12 tập thể được vinh danh, ghi nhận có những đóng góp trong công cuộc 30 năm đổi mới đất nước.
Phương Anh Linh