Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu, năm 2020, Việt Nam phát hiện hơn 1.100 ca mắc mới và gần 1.100 người tử vong vì ung thư tụy. Trong đó, đau bụng là dấu hiện 90% bệnh nhân gặp phải.
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm giữa dạ dày, gan, ruột. Tuyến tụy chỉ dài 10-15 cm, có hình dạng quả lê, tiết ra kích thích tố, sản xuất insulin, dịch tiêu hóa.
Bệnh hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao
Theo TS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, ung thư tụy chỉ đứng thứ 14 về tỷ lệ mắc nhưng xếp thứ 7 về tỷ lệ tử vong do ung thư. Căn bệnh này xếp thứ 6 các loại ung thư đường tiêu hóa thường.
Năm 2020, Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) thống kê Việt Nam có hơn 1.100 người mắc mới ung thư tụy và hơn 1.000 người chết vì bệnh này. Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tụy rất xấu, trên thực tế chỉ khoảng 4-5% bệnh nhân sống thêm 5 năm. Tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới tăng dần theo độ tuổi. Khoảng 90% bệnh nhân là người trên 55 tuổi.
Nguyên nhân cụ thể gây ra căn bệnh này chưa được xác định. Nhiều báo cáo chỉ ra một số lý do là di truyền; bệnh lý mạn tính ở tụy như đái tháo đường, viêm tụy mạn, xơ nang tụy... hay các yếu tố làm tăng nguy cơ như hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực, nghiện rượu...
Đau bụng - triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tụy
Theo BS Lê Công Định, khoa Nội tổng hợp - Bệnh viên Ung bướu Hà Nội, ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi bộ phận này có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng. Triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm nên người bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Tại Mỹ, chỉ 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán giai đoạn sớm, 53% được chẩn đoán ở giai đoạn IV khi đã có di căn xa. Các triệu chứng lâm sàng hoặc kiểm tra cận lâm sàng như siêu âm, CT… chỉ có thể phát hiện khi khối u đã lớn.
Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị đau ở vùng thượng vị, hay hạ sườn phải, chiếm 80-90% trong số các dạng ung thư tụy. Bệnh nhân đau ở bụng dưới thời gian dài trước khi biểu hiện triệu chứng khác.
Theo bác sĩ Định, đau bụng thường xuất hiện từ từ, trước khi phát hiện bệnh khoảng 1-2 tháng, tăng dần theo kiểu “vết dầu loang” theo tiến triển của bệnh. Ban đầu, bệnh nhân thường đau thoáng qua vùng thượng vị, dễ nhầm với viêm dạ dày. Có trường hợp đột ngột đau dữ dội do u làm tắc ống tụy gây viêm tụy cấp.
Đau thường khởi phát ở vùng thượng vị, sau đó lan sang 2 bên hoặc xuyên ra sau lưng, cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa, khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau. Bệnh nhân đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy.
Bệnh nhân ung thư tụy thường bị vàng da, là hậu quả khi khối u xâm lấn đường mật, kèm theo ngứa. Tình trạng này có ở 80-90% bệnh nhân u đầu tụy. Ngoài ra, họ cũng bị sốt, nhiệt độ tăng kèm rét run, Các triệu chứng khác gồm sút cân, đầy hơi, nôn, trướng bụng, thiếu máu, tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi.
Bệnh nhân ung thư tụy cũng thường đi ngoài sống phân do u gây cản trở men tụy xuống ruột non tiêu hóa thức ăn. Đây là nguyên nhân làm người bệnh suy kiệt rất nhanh.
Cần làm gì để chẩn đoán ung thư tụy?
Qua thăm khám phát hiện các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm kiểm tra gồm xét nghiệm máu, chất chỉ điểm khối u, siêu âm,…
Chụp cắt lớp vi tính có vai trò quan trọng nhất, giúp bác sĩ phát hiện khối u tụy, đánh giá mức độ lan rộng khối u, tình trạng di căn hạch… từ đó đánh giá khả năng phẫu thuật triệt căn hay can thiệp giải quyết các biến chứng do u gây ra như tắc mật...
Sau khi phát hiện bệnh, người mắc ung thư dễ rơi vào trạng thái sốc, tinh thần không ổn định nhưng không được chăm sóc về tâm lý, tâm thần và có bệnh nhân đã tự tử.
Hằng ngày, khi ngủ dậy, ông Đ. pha ấm trà nóng và hút 2-3 điếu thuốc lá. Ông đã duy trì thói quen mấy chục năm qua. Đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ phát hiện ông mắc ung thư thực quản.