Cách đây một năm, bé T.H thường thấy mệt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và chảy máu cam. Một ngày, khi đang học bài, đột nhiên, nữ sinh lớp 6 không nhìn thấy gì.
H. được bố mẹ đưa đi nhiều bệnh viện để khám và chọc tủy. Kết quả cuối cùng khiến em và gia đình bàng hoàng: Bé bị ung thư máu cấp tính.
Cú sốc đầu đời khiến cô bé quê Tuyên Quang đã từng nghĩ "mình là gánh nặng, chỉ biết gây rắc rối". Nhưng sự động viên của gia đình, bác sĩ và chính những người cùng cảnh ngộ, H. vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm. Đến nay, em đã dần quen với bệnh tật, không thấy cô đơn trên hành trình điều trị…
Tại chương trình Câu chuyện mùa xuân do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức chiều 14/2, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng, cho hay khoa Bệnh máu trẻ em nơi H. điều trị, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhi đang chiến đấu với bệnh tật, phần lớn đều mắc ung thư máu cấp tính.
Hiện viện điều trị khoảng 1.300 người bệnh mỗi ngày, hơn 50% là người bệnh ung thư máu. Theo PGS Thanh, tỷ lệ phát hiện ung thư sớm ngày càng cao do người dân có ý thức hơn trong khám sức khỏe định kỳ, chủ động đi khám khi cơ thể có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, không ít ca phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi khám, điều trị những bệnh lý khác.
Điển hình như chị N.T.V (quê Đông Anh, Hà Nội), phát hiện ung thư hạch (bệnh máu ác tính) ở tuổi 38. Triệu chứng khởi đầu chỉ là ho, ngứa cổ, khi đi khám bác sĩ gần nhà, chị được chẩn đoán amidan quá phát.
Hai tuần sau cắt amidan, chị V. thấy nửa đầu đau nhức, đi khám nhưng không tìm ra nguyên nhân. Một tháng sau, chị tới một bệnh viện tuyến trung ương khám khi đã hoàn toàn mất tiếng, sụt tới 10kg trong thời gian rất ngắn, người xanh xao. Bác sĩ nghi chị bị nhiễm trùng máu, chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Kết quả, chị bị ung thư hạch. Sau 8 đợt truyền hóa chất, may mắn chị đáp ứng thuốc tốt.
“Sau 7 năm 'sống hòa bình' với bệnh, tôi được mách uống thuốc Nam, bị sốc phản vệ, hệ miễn dịch suy giảm, bệnh tiến triển giai đoạn cuối. Hai năm gần đây, tôi truyền thêm 8 đợt hóa chất, giờ cân nặng bình thường, chỉ phải theo dõi đều”, chị Vinh chia sẻ.
Đến nay, ở tuổi 48, chị Vinh đã sống chung với ung thư được 10 năm. Sau khi biết tin bệnh đã thuyên giảm, ngày kết thúc điều trị nội trú, chị quyết định ở lại viện, giúp đỡ chăm sóc những người đồng cảnh ngộ.
“Mắc ung thư không phải là chấm hết”, chị nói. Ngoài niềm tin vào thầy thuốc, tuân thủ đúng phác đồ, chị nhắn nhủ để chiến thắng bệnh tật, 50% phụ thuộc vào tinh thần lạc quan.
PGS Hà Thanh cho hay một trong những trọng tâm trong quản lý bệnh viện là quan tâm đến cuộc sống, tâm lý bệnh nhân ung thư.
“Viện hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để người bệnh có nhiều cơ hội, cộng đồng để giao lưu, chia sẻ, động viên tâm lý điều trị. Câu chuyện mùa xuân là một ví dụ truyền đi thông điệp chia sẻ yêu thương, truyền cảm hứng, nghị lực từ các bệnh nhân đã điều trị ổn định. Nhiều bệnh ung thư hiện có thể điều trị khỏi, người bệnh có quyền lạc quan hướng tới tương lai", ông nói.
Triệu chứng ung thư máu
Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 6.300 ca ung thư máu mới, riêng Viện Huyết học phát hiện khoảng 1.500 ca gồm cả trẻ em và người lớn.
Triệu chứng bệnh tùy thuộc vào giai đoạn, thể bệnh. Giai đoạn đầu bệnh nhân ung thư máu mạn tính có thể mệt mỏi, gầy sút cân, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi trộm… nhưng có thể không có triệu chứng, chỉ vô tình phát hiện khi khám bệnh khác hoặc khám định kỳ.
Ở giai đoạn bệnh tiến triển hoặc giai đoạn muộn, các triệu chứng của bệnh thường biểu hiện rõ hơn như thiếu máu, gan lách to, hạch to, nhiễm trùng tái diễn...
Với ung thư máu cấp, bệnh nhân có thể sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm; Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi; Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương; Xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm…