Vừa qua, một học sinh phải cấp cứu vì sốc nhiệt do chạy quá lâu trong trời nắng. Nhiệt độ TP.HCM những ngày này luôn ở mức 38-39 độ C, làm thế nào để biết người bị sốc nhiệt mà không phải bị sốt? (Thanh Bình, 40 tuổi)
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) tư vấn:
Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, khoảng 40-41 độ C khi nhiệt độ môi trường tăng, cơ thể không có khả năng tản mát nhiệt nội sinh, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Dân gian hay gọi sốc nhiệt là say nắng hoặc say nóng.
Trong khi đó, sốt là phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc viêm, không liên quan đến nhiệt độ môi trường. Người bị sốt sẽ hạ nhiệt khi uống thuốc hạ sốt, còn sốc nhiệt không đáp ứng.
Khi bị nắng nóng, cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm nhiệt độ như giãn nở mạch máu hoặc tuyến mồ hôi hoạt động mạnh. Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Khả năng ở mỗi người sẽ khác nhau.
Người cao tuổi và trẻ em có sức chịu đựng kém hơn nên dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng. Ngay cả những người trẻ khỏe nếu hoạt động dưới ánh nắng gắt kéo dài cũng có thể bị sốc nhiệt (sốc nhiệt do gắng sức).
Dấu hiệu thường gặp khi sốc nhiệt là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi bị chuột rút, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 độ C đến 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.
Ngay khi người bệnh có dấu hiệu lừ đừ, mệt, bứt rứt, da xanh tái... phải đưa đến cơ sở y tế ngay để xử trí kịp thời.