Ông Nguyễn Đức Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, nêu bức xúc khi nói về những bất cập trong quy định đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư tại cuộc làm việc với Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế chiều 22/8.
Về cơ sở xây dựng giá, theo ông Trường, giá xác định dự toán, giá kế hoạch phải thấp nhất, ngược lại quy luật hàng hoá khi giá cả thị trường ở Việt Nam về cơ bản tăng lên, dẫn đến tình trạng gói thầu một là trượt, hai là bệnh viện mua phải hàng không đạt chất lượng.
Vị lãnh đạo này bày tỏ thông cảm với phát biểu dậy sóng các diễn đàn của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức một ngày trước đó về "dao mổ rạch 3 lần mới đứt da". Ông Trường cho rằng đó là thực tế chung tại các bệnh viện.
“Chúng tôi cũng đã gặp rồi, bệnh viện mua dao mổ trĩ mổ là chảy máu, hoặc đơn giản là dây truyền, có một đoạn để tiêm thuốc vào nhưng cứ châm vào lại chảy nước. Trước đây mua dây truyền tốt thì không sao, nhưng dây truyền rẻ thì có tình trạng như thế” – ông Trường nói.
Vị lãnh đạo cho hay khi mua phải hàng kém chất lượng, bệnh viện sẽ tìm cách trả lại không dùng, nhưng điều này lại làm chậm thời gian do phải đấu thầu lại, yêu cầu bên nhà cung cấp đổi trả… “Đó là bất cập” – ông nói.
Ông Vũ Mạnh Cường, Trưởng phòng Vật tư và Trang thiết bị y tế - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho rằng xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm tương ứng với giá. “Nếu mua giá rẻ khó có hàng hóa chất lượng cao”, ông nhận định. Thực tế, các bệnh viện than thở về việc khó khăn trong xây dựng kế hoạch, bởi máy có nhiều chức năng thì giá cao và ngược lại, mua giá rẻ thì máy ít chức năng hơn.
Do đó, quan điểm mua sắm trong y tế không nên chọn “giá thấp nhất” mà cần quy định rõ chọn “giá hợp lý nhất” mà TS Thức ở Chợ Rẫy nêu ra được nhiều bệnh viện đồng tình.
Gián đoạn thuốc, hoá chất, bệnh nhân chờ đợi, chuyển tuyến
Tại Thái Nguyên, về cơ bản các cơ sở y tế không thiếu các loại thuốc thiết yếu, nhưng có tình trạng gián đoạn cung ứng một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở một số đơn vị, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Thị Bình.
Nguyên nhân do các nhà thầu có công văn không cung cấp được hàng do yếu tố bất khả kháng như ảnh hưởng dịch Covid-19, một số mặt hàng không có nhà thầu tham dự do công ty không có hàng, không đạt kỹ thuật do số đăng ký, GMP hết hiệu lực, thuốc chào vượt giá kế hoạch là giá trúng thầu trong vòng 12 tháng…
Tại Bệnh viện A – bệnh viện đa khoa hạng 1 của tỉnh, một số thuốc biệt dược gốc, hoá chất chưa có kết quả thầu.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên - bệnh viện hạng Đặc biệt thuộc Bộ Y tế - số lượng danh mục vật tư y tế, hoá chất không lựa chọn được nhà thầu là gần 800, tương đương 40% tổng mời thầu. Một số thuốc hiếm, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần cung ứng gián đoạn gây khó khăn cho điều trị.
Bệnh viện Y học cổ truyền và một số bệnh viện có khám chữa bệnh y học cổ truyền tại Thái Nguyên có tình trạng vị thuốc cổ truyền còn tồn kho tại đơn vị nhưng chưa có giấy đăng ký lưu hành; hoặc vị thuốc đã trúng thầu nhưng nhà thầu không cung ứng do chưa có giấy đăng ký lưu hành nên chưa được sử dụng theo quy định tại Thông tư 38 năm 2021 của Bộ Y tế.
Để đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân, các bệnh viện đưa ra nhiều giải pháp như thay thế dần các loại thuốc tương đương, vay thuốc các bệnh viện trong tỉnh và trung ương.
Vì gián đoạn cung ứng một số vật tư, hóa chất xét nghiệm, trong khi chờ kết quả đấu thầu mua bổ sung, Bệnh viện A phải ký hợp đồng, chuyển mẫu xét nghiệm cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Điều này khiến người bệnh phải chờ đợi, chất lượng dịch vụ của đơn vị bị ảnh hưởng.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết và những cố gắng của các đơn vị, nhưng Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng thẳng thắn trao đổi về ý kiến thiết bị trúng thầu rẻ nên ảnh hưởng khám chữa bệnh.
"Nguyên tắc duyệt đưa lên danh mục đấu thầu phải có ý kiến của hội đồng chuyên môn, hội đồng khoa học. Việc mua sắm xuất phát từ nhu cầu cơ sở. Dây truyền kém chất lượng phải trả lại ngay, có cho không cũng không lấy được, đừng nói chuyện dùng tiền ngân sách để mua, phải có trách nhiệm với người bệnh" - PGS Khuê nhấn mạnh.
Đây là buổi làm việc thứ 3 với các bệnh viện trực thuộc Bộ và các địa phương mà Đoàn Kiểm tra số 1 do PGS Khuê làm trưởng đoàn tiến hành, sau chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Y tế.
Ông Khuê cho hay thực tế kiểm tra cho thấy, trong quá trình đấu thầu, một số quy định của Nghị định, Thông tư chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh đang giao các bệnh viện đánh giá tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tác động ra sao tới công tác khám chữa bệnh, sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế. Đây là cơ sở để đề xuất lên lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở.