Bài viết tham khảo từ Tom Pritchard từ trang Tom's Guide
Tôi là người dùng hệ điều hành Android đã 10 năm rồi, sau khi từ bỏ chiếc iPhone 3GS khi nó có dấu hiệu cũ dần đi. Với tính chất công việc là một phóng viên công nghệ tôi vẫn theo sát iPhone cũng như hệ điều hàng iOS. Nhưng có lẽ rằng tôi sẽ không bao giờ trở lại với iPhone đâu, ngay cả khi dòng iPhone 13 series mới được ra mắt cũng hấp dẫn đó.
Sự cứng nhắc trong phần mềm và phần cứng
Điểm hấp dẫn tôi đến với Android là khả năng tùy biến của nó. Bạn có thể làm bất cứ điều gì để biến giao diện thành của mình. Bạn thậm chí còn có thể tải được các giao diện hoàn toàn mới (launcher) được các nhà phát triển tạo ra để thay thế những gì nhà sản xuất đã cài đặt sẵn. Ngược lại hoàn toàn với đó là iOS với sự "đóng" của nó, bắt người dùng phải làm theo những thứ đã được Apple đặt trước. Bạn không thể đặt được ứng dụng trên màn hình chính ở những vị trí bất kỳ, mà chúng phải đặt sát nhau.
Qua từng thời kỳ, Apple cũng đã cố gắng để nới lỏng sự "đóng" của iOS, khi cho phép người dùng đặt ứng dụng vào 1 thư viện giống App Drawer chứ không phải để hết trên màn hình chính, hay khả năng thêm những widget giống Android. Nhưng dù có thể nào đi chăng nữa, khả năng tùy biến của nó cũng không thể bằng được với hệ điều hành từ Google.
Điểm làm tôi thấy không hài lòng trong phần cứng của iPhone đó là việc Apple từ bỏ cảm biến vân tay Touch ID để chuyển qua mở khóa bằng khuôn mặt Face ID. Mỗi lần mở khóa hay xác thực Apple Pay bạn phải đưa máy lên mặt, thay vì chỉ cần bấm 1 nút như cảm biến vân tay. Hiện nay công nghệ vân tay dưới màn hình đã quá phát triển rồi, không có lý do gì mà Apple không sử dụng nó cả. Hay nói về vấn đề kết nối, Apple vẫn giữ cổng Lightning hiện nay đã quá cũ kỹ và không chuyển qua sử dụng USB Type-C - thứ mà hãng cũng đã trang bị cho các thiết bị khác như iPad và MacBook.
Những điều Apple đã làm tốt
Vẫn phải thừa nhận rằng vẫn có những điều mà Apple đang làm tốt. Hãng rất biết cách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, bảo mật những thông tin có trong máy. Hay cách mà iPhone nhận được những bản cập nhật trong một thời gian dài hơn rất nhiều so với smartphone Android là điều mà Google cần phải "chống mắt lên" mà học hỏi.
Đến nay, Apple vẫn tung ra những bản cập nhật phần mềm cho iPhone 6S - một chiếc máy được ra mắt từ 2015. Trái ngược với đó, chiếc máy cũ nhất vẫn được hỗ trợ của Google là Pixel 3 được ra mắt vào 2018, và cũng sẽ chỉ đến hết tháng sau thôi là hết hạn. Đây là một vấn đề khá lớn của những sản phẩm Pixel nói riêng và smartphone Android nói chung mà tôi muốn được giải quyết sớm nhất.
Mặc dù vậy, điều này vẫn không lý giải được tại sao iPhone lại đắt đỏ đến vậy. Đúng là có rất nhiều những flagship Android cũng đắt không kém, nhưng tôi vẫn có nhiều những lựa chọn "bình dân" vừa với túi tiền hơn. Đối với iPhone, "rẻ hơn" đồng nghĩa với "nhỏ hơn", tôi không muốn phải sử dụng những dòng máy "nhỏ như cái tem" như iPhone SE hay iPhone 13 mini. Chiếc iPhone SE với giá $349 vẫn có phần mềm giống với dòng iPhone 13 mới nhưng phần cứng hiện nay đã khá lỗi thời rồi.
Lời kết
Bạn có thể nói rằng những nhược điểm mà tôi nêu ra trong phần mềm và phần cứng của iPhone là khá nhỏ. Nhưng những điểm "nhỏ" này cộng lại tạo thành trở ngại lớn trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi bạn tính cả vấn đề giá bán nữa. Trừ khi iPhone 14 của năm sau có những thay đổi mang tính đột phá thì có lẽ tôi vẫn sẽ trung thành với Android mà thôi.
(Theo Pháp luật & Bạn đọc)
Người Việt cần làm việc bao nhiêu ngày để đủ tiền mua iPhone 13 Pro?
Tại khu vực Đông Nam Á, iPhone sẽ tiếp tục là một trong những mặt hàng "hot" nhất năm nay. Vậy trung bình một người cần làm việc bao nhiêu ngày để mua 1 chiếc iPhone tại mỗi quốc gia?
Các chuyên gia công nghệ Việt nói gì về iPhone 13?
Do không thay đổi nhiều về thiết kế, nâng cấp chưa đáng kể, một số chuyên gia công nghệ Việt không bày tỏ sự háo hức với iPhone 13.