Khi người dân đến cơ sở y tế khám bệnh, bác sĩ chỉ cần một nhấp chuột sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Đây là tiện ích của hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT).

Từ đầu tháng 6/2023, ngành y tế Bình Phước đã triển khai thử nghiệm hệ thống quản lý HSSKĐT vào công tác khám, chữa bệnh hằng ngày của y, bác sĩ, nhất là trong các khâu kiểm tra thông tin lịch sử khám bệnh, tiền sử bệnh của từng bệnh nhân.

Mục tiêu chung của việc làm này là nhằm hướng tới đảm bảo mỗi người dân Bình Phước sẽ có 1 HSSKĐT. Từ đó hình thành dữ liệu HSSKĐT tỉnh Bình Phước và hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia.

Số hóa dữ liệu khám, chữa bệnh

Trước đây, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân từ thời điểm nhập viện đến khi xuất viện đều thực hiện thủ công trên giấy tờ, gây những bất cập trong công tác tìm kiếm, đặc biệt là chia sẻ thông tin giữa các khoa trong bệnh viện hoặc giữa các bệnh viện với nhau. Việc chạy thử nghiệm phần mềm HSSKĐT vào công tác quản lý khám, chữa bệnh sẽ khắc phục tình trạng này.

Tại Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành, trong quá trình chạy thử nghiệm, đơn vị đang thực hiện đổ dữ liệu vào hệ thống, đưa HSSKĐT vào công tác quản lý khám, chữa bệnh hằng ngày của các y, bác sĩ.

Đặc biệt, trung tâm chọn phòng khám ARV-Lao làm điểm nhập dữ liệu, lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân để có thông tin đối chiếu, đưa ra hướng điều trị bệnh chính xác, hiệu quả nhất.

Ông Trần Công Tâm, nhân viên phòng khám ARV-Lao, Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành chia sẻ: HSSKĐT đã khắc phục được những hạn chế trong công tác lưu trữ bệnh án bằng giấy truyền thống, giảm bớt thời gian ghi chép bệnh án và dễ dàng tìm kiếm, truy cập thông tin sức khỏe bệnh nhân như lịch khám, đơn thuốc, nhắc hẹn bệnh nhân khi đến lịch tái khám.

 

Kỹ thuật viên Viettel Bình Phước hướng dẫn các y, bác sĩ truy cập và sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử bằng máy tính và điện thoại thông minh.

“Triển khai HSSKĐT sẽ giúp mọi người dân trên địa bàn thị xã đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu; được tư vấn sức khỏe, điều trị hoặc chuyển tuyến phù hợp khi khám, chữa bệnh. Nâng cao công tác quản lý y tế dự phòng và khám, điều trị tại tuyến y tế cơ sở, góp phần quản lý chặt chẽ hơn hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Những tiện ích này là mục tiêu để Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành sắp xếp, bố trí lại nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu khi thực hiện lộ trình y tế thông minh” - bác sĩ chuyên khoa I Hồ Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành cho biết.

Quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân từ cấp xã đến cấp tỉnh giúp việc kết nối, liên thông dữ liệu về sức khỏe của người dân được tốt hơn. Khi người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ nhanh chóng biết được lịch sử khám, điều trị, dùng thuốc của bệnh nhân những lần trước.

Từ đó đưa ra chẩn đoán bệnh và phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, để đồng bộ dữ liệu vào HSSKĐT, dữ liệu phải được làm sạch từ y tế cơ sở.

Anh Nguyễn Hữu Tín, dược sĩ Trạm Y tế phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành cho biết: “Trạm y tế đang thực hiện cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu ban đầu của người dân về quản lý bệnh truyền nhiễm, không truyền nhiễm, tiêm chủng, tham gia bảo hiểm y tế, y tế dự phòng… vào hệ thống.

Tuy nhiên, công tác này hiện gặp nhiều khó khăn vì mỗi lĩnh vực đang sử dụng một ứng dụng riêng, cần có sự hỗ trợ của đơn vị cung cấp phần mềm để đồng bộ dữ liệu lên hệ thống”.

Mỗi người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử

Trong lộ trình xây dựng y tế thông minh, Viettel Bình Phước - đơn vị cung cấp dịch vụ y tế thông minh đang đồng hành, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn cán bộ y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã trực tiếp sử dụng phần mềm quản lý HSSKĐT.

Thực hiện rà soát, kết nối liên thông và chuyển dữ liệu giữa các phần mềm quản lý y tế với HSSKĐT, đảm bảo an toàn thông tin mạng khi triển khai phần mềm HSSKĐT.

Anh Trần Bá Chinh, quản trị dự án HSSKĐT, Viettel Bình Phước chia sẻ: “Hơn 130 cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm cả công lập và tư nhân đều đang đồng bộ dữ liệu khám, chữa bệnh lên hệ thống từ năm 2017 đến nay.

HSSKĐT là một trong những khâu đột phá của ngành y tế nhằm hướng tới nền y tế thông minh. Ở đó, mọi thông tin liên quan đến sức khỏe người dân đều được số hóa và quản lý chặt chẽ, bảo mật. Tuy nhiên, bước đầu triển khai vẫn còn những khó khăn do mỗi cơ sở y tế sử dụng phần mềm khác nhau nên đang thực hiện từng bước đổ dữ liệu làm phần mềm dùng chung. Chúng tôi đang thực hiện từng bước, đến năm 2024 sẽ phát triển thêm bệnh án điện tử đối với các cơ sở điều trị bệnh nội trú. Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế

Trong năm nay sẽ thực hiện 100% cơ sở khám, chữa bệnh được kết nối tự động lên HSSKĐT. Phấn đấu đến cuối năm nay, 90% người dân trên địa bàn tỉnh có sổ sức khỏe cá nhân để thuận tiện tư vấn, đặt lịch khám bệnh từ xa, giảm tải cho các cơ sở y tế”.

Xây dựng hệ thống HSSKĐT nhằm phân tích, tổng hợp số liệu về tình hình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Sở Y tế. Đây là nội dung quan trọng, cụ thể hóa Nghị quyết số 04 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó y tế là một trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành y tế còn tăng cường khả năng kết nối, đổi mới trang thiết bị máy móc, cải thiện hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, giảm tải cho nhân viên y tế, giải quyết bài toán nhân lực tại các bệnh viện.
 
 Theo Báo Bình Phước