Kiên Giang là địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch biển, đảo với nhiều địa danh nổi tiếng như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Nam Du, Hòn Sơn… Toàn tỉnh có tới 143 hòn đảo trong đó có 105 đảo nổi lớn nhỏ, 43 đảo có cư dân sinh sống. Nhiều năm qua, phát triển kinh tế biển của Kiên Giang lấy du lịch làm trọng tâm trong đó xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm biển, đảo bền vững gắn với bảo vệ môi trường biển đảo.
Tuy nhiên, do hoạt động du lịch phát triển đi kèm với các dịch vụ về lưu trú, ăn uống nên lượng rác thải tại các đảo rất lớn và tỷ lệ thu gom chưa đạt theo quy định. Người dân chủ yếu thu rác tự đốt, chôn lấp. Khách du lịch và người dân sinh sống trên đảo thường có thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon sau đó xả xuống biển gây ô nhiễm môi trường biển.
Nhằm bảo vệ môi trường biển, từ năm 2019, tỉnh Kiên Giang đã phát động các mô hình làm sạch biển. Ví dụ như mô hình “Ngày vì môi trường Phú Quốc" với phương châm: Mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường đảo ngọc Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn, thân thiện. Ngày vì môi trường Phú Quốc được thực hiện vào Thứ bẩy đầu tiên trong tháng và đã trở thành một phong trào đi vào cuộc sống và được người dân tích cực tham gia. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường biển, hải đảo, xây dựng Phú Quốc xanh, sạch, đẹp.
Không chỉ riêng đảo Phú Quốc, các đảo Thổ Chu, Nam Du, Hòn Sơn… đều tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã phát động các chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”, triển khai Ngày Đại dương thế giới với chủ đề “Hành tinh đại dương: "Thủy triều đang thay đổi", Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề là “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”. Các hoạt động trong chương trình này rất phong phú và đa dạng như treo băng rôn, baner, pano; tổ chức lễ mít tinh, diễu hành, thu gom, xử lý rác thải. Tổ chức trưng bày sách về biển, đảo; soạn thảo, in ấn, phát cho người dân các sản phẩm tuyên truyền thân thiện với môi trường...
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường tại các cơ sở kinh doanh sản xuất tập trung. Nếu phát hiện các vi phạm về môi trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các địa điểm ô nhiễm môi trường được xử lý dứt điểm. Hướng dẫn, triển khai các giải pháp, mô hình thu gom, xử lý rác thải phù hợp với các xã đảo trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về biển, hải đảo và phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn từ năm 2021 – 2025. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo. Lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.
Các nội dung trọng tâm cần tuyên truyền như triển khai thưc hiện những nội dung liên quan đến biển, đảo được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26/NQ-CP năm 2020, Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam từ nay tới năm 2030 tầm nhìn 2045, Kế hoạch của tỉnh Kiên Giang về phát triển kinh tế biển bền vững.
Các thông tin liên quan tới biển đảo trọng tâm cần tuyên truyền như tuyên truyền về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế; quan điểm và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng inh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ trên biển; nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng vănhoas biển, xã hội gắn bó thân thiện với biển; đảm bảo an ninh quốc phòng, pháy triển kinh tế biển; hợp tác quốc tế về lĩnh vực liên quan tới biển đảo, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.