Hiệu quả thiết thực

Tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội phụ nữ Tổ dân phố Phan Bội Châu 2 (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) có 50 hội viên với tổng dư nợ gần 780 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Bảo Châu - tổ trưởng cho biết, hằng tháng, có 50% số hộ vay đến nhà bà đóng tiền lãi và tiết kiệm; phần còn lại bà phải đi thu từng nhà. Mỗi lần có hộ đóng tiền, bà ghi chép sổ sách, ghi biên lai gửi cho hộ. Đến phiên giao dịch, bà thường phải cộng thủ công, sau đó cùng cán bộ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) giám sát, đối chiếu sổ sách để đảm bảo mọi giao dịch chính xác, đúng quy định nên mất nhiều thời gian.

“Hơn 4 tháng nay, từ khi cài đặt và thực hiện ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại, mỗi lần thu tiền của hộ vay, tôi cập nhật và gửi dữ liệu trên hệ thống nên khi đến phiên giao dịch rất nhanh gọn, tiết kiệm hơn 50% thời gian. Đặc biệt, mọi hoạt động thu lãi, gửi tiết kiệm được quản lý chính xác, dễ dàng, thuận lợi hơn trước rất nhiều”, bà Châu nói.

Từ tháng 9-2024, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh đã triển khai thực hiện ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách cho thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, chủ tịch UBND cấp xã, Ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn huyện, 338 tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau hơn 5 tháng triển khai, đến nay, đã có 855 người được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng này.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thảo - Giám đốc NHCSXH huyện Diên Khánh, việc tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giao dịch thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm qua ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách đã giúp cho việc giao dịch với giao dịch viên NHCSXH tại điểm giao dịch xã được thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Ứng dụng này giúp tổ trưởng hạch toán và đồng bộ dữ liệu giao dịch ngay trên điện thoại, giảm thiểu đáng kể thời gian giao dịch với cán bộ ngân hàng và thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp thông tin chi tiết về các chương trình vay vốn, lãi suất, cơ sở dữ liệu khách hàng và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đến nay, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện giao dịch thông qua ứng dụng này. 

Khánh hòa 1.jpg
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang rà soát số liệu trên ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách.

Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách

Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách là một trong những phần mềm được triển khai thành công nhất của NHCSXH tỉnh trong năm qua. Ứng dụng được cài đặt trên các thiết bị thông minh như một cẩm nang điện tử dễ sử dụng, mang đến cho người dùng nhiều tiện ích, trong đó có quy trình nghiệp vụ như: Thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm, chuyển khoản trả lãi, trả gốc và số liệu hoạt động tín dụng chính sách của tổ tiết kiệm và vay vốn; kết quả giao dịch; tra cứu biên lai thu lãi của tổ viên…

Ngoài ứng dụng này, năm 2024, thực hiện công tác chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ, NHCSXH tỉnh đã triển khai nâng cấp hệ thống Intellect Corebanking lên nền tảng ngân hàng số nhằm cung cấp đến khách hàng dịch vụ ngân hàng hiện đại; đồng thời triển khai sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống Mobile banking.

Ông Lê Văn Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh cho biết, năm 2025, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ.

Trong đó, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH như: Sử dụng giao dịch thu nợ qua app cho tổ tiết kiệm và vay vốn; app quản lý tín dụng chính sách hoặc Mobile banking, phần mềm ứng dụng chấm điểm hoạt động ủy thác, giám sát hoạt động giao dịch xã qua Camera IP…

Với sự hỗ trợ của các phần mềm ngân hàng số, các trưởng ban, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh và huyện, lãnh đạo, cán bộ ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có thể truy cập và khai thác dữ liệu trực tuyến nhanh chóng, thay thế phương pháp thủ công trước đây; từ đó nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quản lý, điều hành chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, toàn tỉnh đã có gần 4.400 người là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, chủ tịch UBND cấp xã; Ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cài đặt và sử dụng ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách. Trong đó, các địa phương đạt tỷ lệ 100% gồm: Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Nha Trang. 

Theo MAI HOÀNG (Báo Khánh Hòa)