Nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát
Hiện nay, tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh, nhiều yếu tố đan xen phức tạp, khiến thay đổi chuỗi cung ứng, hình thành các cấu trúc đầu tư, thương mại mới.
Theo đánh giá của giới nghiên cứu, hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam ngày càng được bộc lộ rõ. Mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng GDP có sự cải thiện rõ rệt cùng với đó là cách thức tăng trưởng đã dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn.
Nhìn lại kết quả trong các năm 2021, 2022 những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm trước đó. Ở Việt Nam, dịch bệnh đã xâm nhập vào các trung tâm kinh tế lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất với diễn biến rất phức tạp. Đối phó với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm, Chính phủ phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Từ năm 2021 những định hướng chiến lược trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh. Trong dịch bệnh, chúng ta chứng kiến quá quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, đặc biệt là các dịch vụ như y tế, giáo dục, thanh toán và giao thông thông minh, thương mại điện tử... Tác động của dịch bệnh là rất nặng nề, tuy nhiên GDP của Việt Nam dù không đạt kế hoạch nhưng xét trong bối cảnh chung, vẫn cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước tác động của đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy nền tảng vững chắc của nền kinh tế, cách thức ứng phó linh hoạt của những người “đứng mũi chịu sào” và sự sáng tạo, sức chống chịu bền bỉ của các DN trong đại dịch Covid-19.
Tốc độ tăng trưởng GDP có sự cải thiện rõ rệt cùng với đó là cách thức tăng trưởng đã dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về tổng thể, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo Báo cáo về xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được WIPO công bố năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế (so với thứ hạng 42 năm 2019 và năm 2020) sau khi WIPO cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).
Việt Nam tiếp tục được WIPO nhận xét như hình mẫu đáng học hỏi: "Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới sáng tạo theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện đổi mới sáng tạo toàn cầu trong những năm tới.
Những thay đổi và quyết tâm chuyển đổi, thích nghi để đuổi kịp và vươn lên
Tại buổi tiếp ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, Viện trưởng Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu (TBI) hôm 26/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhưng Việt Nam đã nhận thức được những thay đổi và quyết tâm chuyển đổi, thích nghi để đuổi kịp và vươn lên trong thời gian tới.
Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào hàm lượng tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh... Ngoài ra, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh lớn mà các quốc gia khác không có được, như nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, chính sách cởi mở, thông thoáng...
Để hiện thực hóa điều đó, Việt Nam tập trung vào 3 đột phá, gồm hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, kết hợp với các yếu tố cải cách thủ tục hành chính, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, văn hóa con người Việt Nam.
"Việt Nam sẽ tiếp tục là môi trường, điểm đến đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh của khu vực và thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.
Ông Tony Blair cho rằng, cuộc cách mạng chuyển đổi số, khoa học công nghệ đang diễn ra trên toàn thế giới. Với tầm nhìn, tư duy và cách tiếp cận rõ ràng và sáng suốt như hiện nay của Việt Nam, việc tập trung vào chuyển đổi số, khoa học công nghệ, phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng trong thời gian sắp tới.
"Việt Nam cần xác định rõ các lĩnh vực cụ thể, thế mạnh để kêu gọi thu hút đầu tư, quảng bá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng đang ngày càng được cải thiện của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới", ông Tony Blair gợi mở.