Nhưng hệ lụy của nó đang ngày càng bộc lộ rõ. Hơn hai năm trời phong tỏa đằng đẵng và nền kinh tế rơi vào trạng thái ngủ đông phải trả một cái giá nào đó chứ.
Về mặt thống kê, có thể thấy rõ khu vực doanh nghiệp trong nước chịu tác động rất mạnh. Chỉ trong hai tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đây là con số báo động vì nó gấp đôi so với con số bình quân 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một tháng trong năm 2021, năm thực hiện phong tỏa gắt gao.
Nhìn vào lĩnh vực nào đều thấy tiếng kêu than của doanh nghiệp ở đó.
Bất động sản, lĩnh vực có nhiều tỷ phú nhất và nhiều doanh nghiệp lớn nhất, đang gặp khó khăn lớn nhất. Chỉ riêng năm ngoái, có hơn 1.200 doanh nghiệp bất động sản đã phải đóng cửa. Khó khăn của họ lớn đến mức có tỷ phú phải lên tiếng tại Hội nghị về bất động sản cho Thủ tướng chủ trì gần đây.
Ở lĩnh vực xăng dầu, nơi lẽ ra là “ngon ăn” nhất do đặc thù của nó, các doanh nghiệp là chủ các cây xăng đang than khóc lỗ 3.000-4.000 tỷ đồng chỉ trong một năm qua.
Trong số các doanh nghiệp nhà nước, chỉ trừ PVN có doanh thu tăng vọt do biến động giá dầu thô trên thế giới, đa số đều báo lỗ. Thậm chí EVN còn dự kiến lỗ đến 93 nghìn tỷ đồng và thiếu hụt thanh toán từ tháng 6 năm nay; TKV được ghi nhận khoản nợ phải trả là 74.400 tỉ đồng, theo Kiểm toán Nhà nước.
Tất nhiên, những doanh nghiệp trong ngành hàng không như Vietnam AirLines, Pacific Airlines, VietJet Air và Bamboo – những doanh nghiệp bị tác động trực tiếp nhất, lâu dài nhất do phong tỏa – hẳn là bị tác động lớn nhất rồi. Các doanh nghiệp chưa báo cáo, nhưng chắc chắn họ đã âm vốn chủ sở hữu và đang lâm vào tình thế rất khó khăn.
Đó là chưa kể những doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và nhiều lĩnh vực khác.
Điểm qua một vài nét chấm phá như trên để thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đều lâm vào tình thế rất khó khăn. Khó khăn đó lại bị kích lên bởi lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động và đơn hàng suy giảm.
Trong bối cảnh đó, nhiều động lực cho tăng trưởng của Việt Nam lại không thuận.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Hay nói cách khác, sức mua của người dân đang rất yếu.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng bàn là CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%).
Những con số đó, tất nhiên, không phản ánh hết toàn bộ diện mạo của nền kinh tế nhưng nó cho thấy một điều, người dân và doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn, cắt giảm tiêu dùng, thu hẹp sản xuất và ở một số lĩnh vực, còn khó khăn hơn so với thời kỳ phong tỏa.
Trước tình thế đó, xin thử bàn một số giải pháp.
Thứ nhất, CPI đang tăng lên nhưng cần phải bình tĩnh, rút kinh nghiệm từ năm 2022, khi ai cũng lo lắng về CPI, coi CPI là con “ngáo ộp” và do đó thắt chặt rất nhiều chính sách, hoặc không phản ứng chính sách đúng với hoàn cảnh.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lạm phát hiện nay không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008-2013, mà do đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Đây là vấn đề phát sinh do kinh tế thế giới đồng thời bị tác động bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trong giai đoạn trước đây. Hơn nữa, các gói kích thích kinh tế ở nước ta chưa được chi tiêu hiệu quả cũng không gây áp lực lên lạm phát.
Nhận định như vậy hy vọng sẽ giúp đưa ra phản ứng chính sách hiệu quả hơn.
Ví dụ, lẽ ra giá điện cần được điều chỉnh ở mức phù hợp sau 4 năm hoàn toàn đứng im. Số lỗ 93.000 tỷ đồng vượt qua mọi kỷ lục mà một doanh nghiệp nhà nước từng ghi nhận. Số vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị mất đi thì trách nhiệm thuộc về ai? Vì sao lại bắt doanh nghiệp nhà nước lỗ trong khi vẫn đảm bảo lãi cho các doanh nghiệp tư nhân? Làm sao đảm bảo sự phát triển “đi trước một bước” của ngành điện?
Ở ngành hàng không, sao lại không cho doanh nghiệp tăng giá trần? Vì sao vẫn hạn chế visa nước ngoài để trực tiếp cắt đi nguồn khách dồi dào của các hãng hàng không nói riêng và của nền kinh tế nói chung? Chúng ta đang cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia, Malaysia… trong thu hút khách du lịch quốc tế thì ít nhất, chế độ visa cũng nên bằng với họ.
Điều đáng nói là khu vực ngân hàng, nơi cung ứng vốn cho nền kinh tế. Hiện nay, một số ngân hàng lớn đang “bắt tay nhau” để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, do xác định nguyên nhân lạm phát không đúng và không căn cứ vào thực tế các nước đều điều chỉnh tỷ giá từ đầu năm 2022 cùng với FED, tỷ giá đã được kiềm chế suốt 3 quý đầu năm 2022 để đến cuối tháng 9 mới tăng đột ngột, giật cục, làm doanh nghiệp không kịp trở tay. Cùng với đó là lãi suất cũng được điều chỉnh rất nhanh thay vì giàn ra trước đó.
Sau việc huy động vốn qua con đường trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng lên cao sau đại dịch để thanh toán, thì lẽ ra chính sách tiền tệ phải mở rộng, nới thêm room mới giúp doanh nghiệp tránh “hạ cánh cứng” như đang diễn ra. Phải đến những ngày cuối cùng của năm ngoái thì room tín dụng mới được tuyên bố “nới” thêm, như biện pháp trị liệu tâm lý mà thôi.
Những phản ứng chính sách như vậy cần hết sức cẩn trọng để nền kinh tế hạ cánh mềm.
Tư Giang