Một doanh nhân còn nhắn tin: “Anh đau đầu quá, giờ muốn ngủ một giấc ngon mà không được”.
Phải thú thật, đó toàn những chuyện khá đau đầu, cho dù hoàn cảnh hiện nay là khác so với thời kỳ bất ổn kinh tế cách đây hơn một thập kỷ, vốn được khởi đầu bởi hệ lụy tiền tràn ngập do mở rộng tín dụng, FDI và đầu tư quá mức.
Tôi nhận thấy, có tới 13 từ “khó khăn” trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội do Thủ tướng trình bày cuối tuần trước, còn trong bản báo cáo về kinh tế - xã hội gửi trước đó, có tới 19 từ “khó khăn”.
Chính phủ nhận diện vấn đề một cách không né tránh. Nền kinh tế đã “đóng băng” theo nghĩa nào đó trong 2 năm chống dịch, nay tiếp tục gặp “khó khăn” khi mở ra bởi rất nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan.
Điều này thể hiện ở chỗ, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 ước tính chỉ tăng 3% so với tháng trước, một mức tăng chẳng khác gì thời lockdown.
Bộ Công thương phản ánh, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... Một số công ty bán được lượng hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10.
Gần đây, biên độ tỷ giá VND/USD được nới rộng. Điều này là cần thiết trong bối cảnh FED liên tục tăng lãi suất đồng USD. Tuy nhiên, điều đó vừa đặt gánh nặng lên vai cả Chính phủ ở góc độ nợ, vừa làm xói mòn biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam.
Ai cũng biết, tỷ giá biến động tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhập siêu và hà hơi, tiếp sức cho doanh nghiệp xuất siêu. Những doanh nghiệp nào thuộc 2 loại này?
Xin thưa, trong 10 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô xuất siêu 34,3 tỷ USD.
Tức là các doanh nghiệp của Việt Nam đang bị bào mòn lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp FDI lại được hưởng lợi lớn.
Nhiều người nói, CPI thấp là tốt. Song, một nhà kinh tế cắt nghĩa, CPI thấp chỉ có thể lý giải là do thắt chặt quá mức. Điều này dẫn đến ít nhất 2 hệ quả. Một là doanh nghiệp bán với giá thấp không tương ứng với tăng giá đầu vào; biên lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ và thu hẹp sản xuất. Hai là, lãi suất cao, khô cạn tín dụng cũng dẫn tới thu hẹp sản xuất. Vì vậy, lạm phát thấp, “nếu đúng”, chưa chắc đã tốt.
Việt Nam vẫn được ca ngợi là tăng trưởng cao, cao bậc nhất thế giới, hay cao gấp đôi lạm phát. Điều đó là đúng, nhưng cần đánh giá rõ, động lực cho tăng trưởng cao đó là do yếu tố nào? Do doanh nghiệp nội hay FDI dẫn dắt?
Trước Quốc hội tuần trước, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn tình hình.
Vẫn biết, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát là hai phạm trù khó song hành. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện nay là rất đặc biệt nên cần những giải pháp đặc biệt.
Vì thế, cần có những câu trả lời xác đáng và giải pháp đặc biệt, khả thi cho nền kinh tế thực chứ không chỉ trông vào những số liệu được báo cáo.