Sáng 11/7, tại Jakarta (Indonesia) đã diễn ra hoạt động đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong khuôn khổ AMM-56.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và phiên đối thoại với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).
Trong bối cảnh chứng kiến nhiều biến động và thách thức, kể cả nguy cơ xung đột hạt nhân, các Bộ trưởng khẳng định lại ý chí chính trị của các nước tham gia Hiệp ước duy trì mục tiêu của SEANWFZ, tham vấn, đối thoại vì một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Chia sẻ tầm quan trọng của SEANWFZ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao giá trị và vị thế của Hiệp ước trong bối cảnh phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định cam kết và quyết tâm của Việt Nam triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động Hiệp ước, và nhất trí cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư SEANWFZ.
Cũng trong sáng nay, các Bộ trưởng có phiên đối thoại với Ủy ban AICHR. Với 15 hoạt động trong năm qua, Ủy ban AICHR đã thúc đẩy hợp tác về quyền con người đạt kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực như quyền của người khuyết tật, quyền trẻ em, biến đổi khí hậu, quyền môi trường…
Các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là nội dung và mục tiêu xuyên suốt của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trước tác động thuận nghịch của nhiều vấn đề đang nổi lên, ảnh hưởng sâu sắc đến quyền con người, các Bộ trưởng nhấn mạnh, AICHR với vai trò và nhiệm vụ được giao cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tham vấn và đối thoại liên ngành để xây dựng giải pháp thấu đáo, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân và phù hợp với quan tâm chung của khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao nỗ lực của AICHR và kết quả triển khai Kế hoạch Công tác 2021-2025, đề nghị AICHR duy trì cách tiếp cận tiệm tiến, phù hợp với quan tâm của các nước; triển khai hợp tác với các đối tác trên tinh thần xây dựng, thiện chí, phù hợp với nguyên tắc, quy trình và thủ tục của ASEAN.
Chiều 11/7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự phiên họp toàn thể AMM-56 với trọng tâm thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, quan hệ đối ngoại và cấu trúc khu vực.
ASEAN được kỳ vọng trở thành trung tâm của tăng trưởng, thu hút đầu tư và nguồn lực phục vụ phát triển. So với bức tranh chung của kinh tế toàn cầu, ASEAN vẫn duy trì được động lực tăng trưởng với tín hiệu tích cực trong tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và phục hồi trong ngành dịch vụ.
Để hiện thực hóa kỳ vọng trên, các Bộ trưởng nhất trí củng cố hơn nữa khả năng tự cường và thích ứng linh hoạt của ASEAN trước mọi cơ hội và thách thức đặt ra cho khu vực. Trong môi trường chiến lược đầy biến động, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cần được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa. ASEAN cần đi đầu trong việc định hình một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với sự tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm của các đối tác cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Hội nghị nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khuyến khích các đối tác hợp tác cụ thể, thực chất với ASEAN trên lĩnh vực ưu tiên về kết nối, hợp tác hàng hải, phát triển bền vững và kinh tế, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ASEAN không thể tránh khỏi đối mặt với các thách thức cả từ bên trong và bên ngoài. Song, với sự tôi luyện trong 56 năm qua, ASEAN có đủ cơ sở để tự hào và tin tưởng về một cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh.
ASEAN tiếp tục là một điểm sáng với dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2023 ở mức 4.7%. Trước tác động của đại dịch vẫn hiện hữu, ASEAN cần đặt hợp tác kinh tế, thương mại ở nhiệm vụ trung tâm, tận dụng hiệu quả động lực tăng trưởng để tái cấu trúc nền kinh tế. ASEAN cần nắm chặt cơ hội để không bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến của Chủ tịch ASEAN 2023 về tổ chức Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với trọng tâm về cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững và kinh tế sáng tạo. Đề nghị ASEAN dành thêm quan tâm cho lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu.
Khẳng định hòa bình, an ninh, ổn định là điều kiện tiên quyết cho thịnh vượng, Bộ trưởng đề cao truyền thống đối thoại và hợp tác của ASEAN, tăng cường tin cậy, vượt qua khác biệt và xây dựng đồng thuận.
Trong quan hệ với đối tác, ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, cùng các đối tác tham vấn vấn đề cùng quan tâm, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc cơ bản, quy trình và thủ tục của ASEAN. Bộ trưởng tái khẳng định và đề nghị các đối tác tôn trọng lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông.