Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) phân tích, việc Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam là mệnh lệnh hành chính, chứ “Nhà nước không chi một đồng nào”.
ĐB dẫn chứng, ở các nước, việc cung cấp điện theo cơ chế thị trường. Năm 2022 khi giá dầu, than, khí tăng làm cho chi phí sản xuất, cung cấp điện tăng, để người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn được sử dụng điện mà không phải trả thêm tiền ở Nhật Bản cứ 1kW điện tiêu dùng hộ gia đình thì Chính phủ trả 7 yên, còn lại gia đình phải trả, qua đó giảm 20% hóa đơn tiền điện các hộ.
Ở Pháp, công ty điện tăng giá điện khi giá nguyên liệu tăng, song mức giá thực tế lại giảm 4% trong năm 2022 và 15% năm 2023, vì Chính phủ Pháp trợ cấp cho doanh nghiệp điện 49 tỷ USD từ ngân sách.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, Luật Giá 2012 và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang cho ý kiến đều không có nguyên tắc điều tiết giá của Nhà nước, đó là "Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công hoặc dự trữ hàng hóa để điều tiết giá".
Trong trường hợp điều tiết giá điện, chỉ có một giải pháp là bằng mệnh lệnh hành chính, Nhà nước quy định giá điện qua Bộ Công Thương và Chính phủ.
Thực tế EVN kinh doanh thua lỗ dù đã tăng giá điện 3%, với tổng lỗ 3 năm dự kiến hơn 100.000 tỉ đồng, bằng 49% vốn điều lệ của tập đoàn. Chưa kể, hiện EVN đang nợ tiền mua điện gần 20.000 tỉ đồng, đến hạn phải trả nhưng chưa có tiền.
Từ đây, ĐB TP.HCM tha thiết đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá vào dự thảo Luật Giá 2023: "Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá".
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định hiện nay Nhà nước định giá điện nhưng vẫn "bao cấp". Ông đặt vấn đề tại sao không đưa điện vào danh mục bình ổn giá vì hiện nay 100% người dân đều sử dụng điện. Theo ĐB, việc đưa điện vào diện bình ổn giá thì người dân rất hoan nghênh.
ĐB Hòa chia sẻ, 100% người dân đều tiêu thụ điện, đều phải trả tiền điện nhiều hơn tiền xăng, dầu. Có người sử dụng xăng, dầu, có người không sử dụng. Xăng, dầu thì trong quỹ bình ổn giá, trong khi điện thì 100% mọi người đều sử dụng thì lại không đưa vào bình ổn mà lại để Nhà nước định giá.
Cũng nói về đưa điện vào quỹ bình ổn giá, ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, điện là thứ hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, gây tác động lớn đến KT-XH.
Nêu quan điểm giống ĐB Nguyễn Thiện Nhân, ông Luận cho biết, thực tiễn thời gian qua loại hàng hóa này thay đổi thường xuyên theo xu hướng, chỉ có tăng mà không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Vì vậy, ĐB đề nghị loại hàng hóa này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn.
Giải trình ý kiến của 3 ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá.
Bộ trưởng lý giải: "Hiện nay nguồn lực phải đảm bảo, ngân sách đang còn hạn hẹp, hoặc vấn đề doanh nghiệp sản xuất điện, hiện nay chủ yếu Tập đoàn EVN là tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50%. Nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa Luật Ngân sách để phù hợp. Chính phủ xin không tiếp thu ý kiến này".