Trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, chiều 1/12, Đại hội đã chia 10 trung tâm thảo luận để góp ý vào báo cáo chính trị nhằm tìm ra những giải pháp, kiến nghị mới, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Trung tâm thảo luận số 1, bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội, đề nghị cần đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới khu vực phi chính thức vì hiện nay việc dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức đang diễn ra ngày càng rõ.
Bà Thanh cho rằng, công đoàn cần phải nắm chắc nhu cầu của mỗi đối tượng đoàn viên để giải đáp được câu hỏi "tham gia Công đoàn Việt Nam thì người lao động được gì".
Đánh giá về 3 khâu đột phá đề ra tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam nhìn nhận, đây là những nhiệm vụ chủ yếu của công đoàn, trong đó tập trung cao nhất là nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đây là nhiệm vụ số một và là vấn đề sống còn của tổ chức công đoàn.
Để thực hiện được điều này, Công đoàn Việt Nam phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các chính sách để hoàn thiện cơ chế, chính sách về pháp luật. Đây là nền tảng đầu tiên để thực hiện được khâu đột phá này.
Xây dựng nhà ở cho công nhân vùng khó khăn
Tham gia ý kiến tại đại hội, nhiều ý kiến cũng đề xuất, trong nhiệm kỳ này, công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các thiết chế, công trình phúc lợi ở các Khu công nghiệp - Khu chế xuất, để phục vụ, chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần cho người lao động tốt hơn nữa.
Tại Trung tâm thảo luận số 7, thay mặt cho đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng, ông Ngọc Văn Phán, Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Cao Bằng cho biết, đoàn đại biểu tán thành, đồng tình với các văn bản do Đoàn chủ tịch cung cấp và trình đại hội. Đặc biệt, Báo cáo chính trị cơ bản đã đánh giá một cách tổng quát, đầy đủ, thể hiện được vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Ông Ngọc Văn Phán cho rằng, Cao Bằng là tỉnh miền núi - một trong những tỉnh nghèo nhất so với cả nước; lực lượng lao động tại doanh nghiệp chỉ khoảng 3 nghìn lao động (hiện nay chưa có 1 khu công nghiệp nào); tổng số công nhân viên chức lao động cả tỉnh hiện có trên 28 nghìn người, mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp so với cả nước, nhất là đối tượng công nhân viên chức lao động mới ra trường đi làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ lương không đảm bảo cho mức sống tối thiểu hiện nay.
Trong khi đó hiện nay tỉnh Cao Bằng chưa được đầu tư xây dựng khu nhà ở tập thể tập trung dành riêng cho công nhân lao động, số doanh nghiệp hỗ trợ, xây dựng nhà ở chỗ công nhân chưa nhiều.
Hiện nay, số lượng công chức viên chức, người lao động trong toàn tỉnh còn chưa có nhà ở, phải đi thuê nhà ở với số lượng đoàn viên còn rất lớn; với mức chi phí thuê nhà cao, trong khi đó thu nhập từ lương của người lao động lại rất thấp (khoảng 5-7 triệu đồng/tháng).
Vì vậy, Đoàn đại biểu Cao Bằng đề nghị Tổng liên đoàn lao động dành sự quan tâm, có chủ trương đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội với các tỉnh đặc thù, có tính tương đồng như tỉnh Cao Bằng, để cho đoàn viên, người lao động có thu nhập thấp được tiếp cận và có cơ hội được hưởng lợi chương trình, qua đó người lao động sẽ yên tâm công tác và cống hiến lâu dài...