Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu việc hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần.
Ngày 29/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến về những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của Luật Nhà ở sửa đổi.
Cần có chính sách ưu đãi người mua nhà lần đầu
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) dẫn số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ sở hữu nhà ở của các hộ gia đình Việt Nam là 88,1%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
"Tại sao nhu cầu về nhà ở tại các đô thị vẫn là vấn đề bức thiết đến như vậy?”, đại biểu Hoàn băn khoăn và cho rằng luật lần này cần tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ sinh lời. Từ đó có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu.
Đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị nghiên cứu việc hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần. Đặc biệt, cần hạn chế tình trạng người mua nhà ở xã hội bán nhà sau 5 năm với giá trị tăng 2-3 lần so với lúc mua.
Dẫn nội dung Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014, khi bán lại nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường, người bán phải nộp tiền sử dụng đất, đại biểu cho rằng dự thảo luật lần này quy định bỏ áp dụng đối với nhà chung cư.
Đề nghị giữ lại quy định này của luật hiện hành, ông Hoàn ủng hộ quy định chỉ chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với nguyên giá mua ban đầu nếu không có nhu cầu ở, và mở rộng thời gian là sau 5 năm kể từ khi mua.
“Chúng ta phải xác định rõ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở, không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội. Cũng phải xác định, nhà ở xã hội là để ở, không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Tổng Liên đoàn lao động có nên là chủ đầu tư?
Đại biểu Lê Thanh Hoàn ủng hộ quy định giao Tổng Liên đoàn lao động tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Theo đại biểu tỉnh Thanh Hóa, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu 'bốc thăm trúng thưởng' trong thời gian vừa qua.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng chủ trương này phù hợp với định hướng huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho đối tượng công nhân.
Đại biểu tỉnh Phú Thọ phân tích, hệ thống công đoàn các cấp là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Vì vậy hơn ai hết họ nắm rõ nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, nhất là những người lao động có thu nhập thấp hay hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, ông lưu ý, Tổng Liên đoàn Lao động tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội với tư cách là cơ quan chủ quản, không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án.
Đồng thời, họ chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án này sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn; nhà ở cho thuê vận hành như đối với các nhà ở do Nhà nước đầu tư.
Để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo cho công nhân lao động dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị đưa chủ thể tổ chức công đoàn lấy nguồn kinh phí tài chính của công đoàn để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân.
Theo bà, việc này không phải bán nhà ở xã hội mà cho thuê, hoặc hỗ trợ những công nhân lao động khó khăn về kinh tế trong thời hạn 10 năm, 20 năm. Vấn đề cho thuê và đưa tổ chức công đoàn vào thực hiện chính sách này cũng rất thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn cho công nhân lao động.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) không đồng tình giao Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Bởi Tổng Liên đoàn Lao động là tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh.
“Nhà ở xã hội cho công nhân sẽ được đầu tư để cho thuê, nên nếu giao Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì sẽ phải thông qua doanh nghiệp trực thuộc. Nếu vậy, nên giao UBND tỉnh, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện”, ông Hòa phân tích.
Đặc biệt, dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân có số lượng lớn, trong khi nguồn lực theo đề xuất lấy từ nguồn thu phí công đoàn nên sẽ có hạn.
Theo ông Hòa, Tổng liên đoàn lao động lo cho công dân nhiều mặt khác, chứ không riêng chuyện nhà ở. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lại chứ "không khéo mất cán bộ".
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết vẫn còn nhiều loại ý kiến liên quan quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định này. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.
Ý kiến này cho rằng cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Bởi đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong luật.
Vì vậy, nhóm ý kiến này đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động thành lập doanh nghiệp trực thuộc có chức năng kinh doanh bất động sản để thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân.