Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm là chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và chế độ thu hút, đãi ngộ, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức Thủ đô phải khác biệt

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Thủ đô là đô thị đặc biệt nên cần cho thêm tiêu chuẩn người tham gia HĐND phải cao hơn, bởi vì phải giải quyết những vấn đề của quốc gia chứ không phải vấn đề của một địa phương. Đồng thời, phải trao quyền cho HĐND nhưng cũng phải trao quyền và trách nhiệm cho UBND.

Theo ông Cường, khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt.

HoangVanCuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) 

"Chúng ta chỉ đưa ra mức quy định tăng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, chỉ bằng một số địa phương khác thì tôi nghĩ có khi thấp, do đó, quỹ tiền lương này phải tăng cao hơn. Với quỹ tiền lương như vậy, mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn”, đại biểu Cường nêu gợi mở.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, đây chính là hình mẫu của Thủ đô để tạo ra tính chất, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, làm sao tiết kiệm nhưng lại tạo ra được hiệu lực tốt hơn. Vì vậy về mặt chính sách tiền lương, ông Cường đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn. 

Phó ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhắc lại quy định dự luật cho phép Thủ đô áp dụng quỹ lương với tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, bà Yên đề nghị luật cũng cần quy định làm sao cho phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 mà Hội nghị Trung ương 8 (khóa 13) vừa mới thảo luận.

tathiyen.jpg
Phó ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cũng lưu ý, sáng nay Quốc hội vừa thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2024, trong đó có quy định thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Vì vậy khi thực hiện cải cách tiền lương thì không còn có cơ chế thu nhập, khen thưởng đặc thù. Tuy nhiên, Điều 18 của dự luật vẫn quy định chế độ thu nhập đặc thù là chưa phù hợp với Nghị quyết 27. Vì vậy, bà Hà đề nghị xem lại nội dung này.

Có chính sách trọng dụng nhân tài để tránh "chảy máu chất xám"

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) bày tỏ rất đồng ý với chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để TP Hà Nội không bị "chảy máu chất xám".

“Chất xám của TP Hà Nội đi về các tỉnh trong nước mình được nhưng ra nước ngoài thì đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Cho nên tôi thống nhất việc cho cơ chế, chính sách đặc thù để TP Hà Nội được thu hút nhân tài. Nhưng phải có tiêu chí, phải xác định nhân tài đó là ai, tiêu chí nhân tài đó như thế nào”, đại biểu Hòa phân tích.

Đại biểu Hòa lưu ý, nếu Hà Nội đề nghị hỗ trợ nhân tài cho sinh viên, học sinh nhưng lại không có tiêu chí thì dễ dẫn đến "xin - cho", đưa "con ông cháu cha" vào nói là nhân tài rồi đưa đi học nước ngoài, khi về thì hoạt động không có hiệu quả. Thậm chí, những sinh viên, học sinh này không làm theo cam kết, khi đi học nước ngoài về lại không làm cho TP, có khi ở luôn lại nước ngoài.

Vì vậy, ông Hòa cho rằng phải có tiêu chí quy định điều kiện cụ thể, đặc thù, đàng hoàng để không "tiền mất tật mang".

“Tôi nuôi anh từ nhỏ chí lớn, nuôi anh học thành tài mà anh lại không phục vụ tôi, đi phục vụ cho ai đó thì chế độ thu hút nhân tài của Nhà nước sẽ bị mai một, phản tác dụng”, ông Hòa cảnh báo.

PhamVanHoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Đại biểu Tạ Thị Yên dẫn Điều 13 Luật Thủ đô 2012 đã quy định “HĐND TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Từ đó, bà cho rằng quy định như vậy là khá đầy đủ và thành phố có đủ thẩm quyền để thu hút, trọng dụng nhân tài với các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, đại biểu đồng ý với chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; chính sách đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô.

Ngoài ra, bà Yên đề nghị hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô:

- Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

- Tương tự cơ chế áp dụng cho TP.HCM, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị của Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.