Ngày 7/12, tại TP Đà Nẵng, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho những đóng góp vào việc nâng cao nhận thức phòng tránh thiên tai của người dân và các địa phương trong cả nước.

Thiên tai, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề 

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn biến bất thường và phức tạp hơn so với dự báo, điều này được thể hiện qua các biểu hiện dị thường của các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Vì vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, với sự đồng hành, hợp tác, chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với những giải pháp ứng phó đủ mạnh, có tính khả thi với mục tiêu vì sự an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.

W-z4950976941655-ad5da76b6417b2136ca5e8277520c317-2.jpg
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại lớn cho thành phố 

Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, theo thống kê, từ năm 1998 đến nay, TP Đà Nẵng đã chịu ảnh hưởng của 41 cơn bão, 16 áp thấp nhiệt đới và 58 đợt lũ gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp bị phá hủy nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính hơn 10.000 tỷ đồng. 

Đặc biệt là trận mưa lớn lịch sử hồi tháng 10/2022 gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, hiện nay, thành phố còn có nguy cơ đối mặt với một số loại hình thiên tai nguy hiểm khác như sạt lở đất đá đồi núi, ngập úng lớn khu vực đô thị.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thông tin, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó với các trận mưa bão bất thường với cường độ ngày càng lớn, thành phố đã ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng TP Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030” với nhiều biện pháp quyết liệt, căn cơ, chủ động trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Nhờ đó, năng lực phòng chống thiên tai của hệ thống chính quyền các cấp và người dân của thành phố ngày càng được nâng cao, chủ động, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong những năm gần đây. 

W-ngap-lu8-1.jpg
Quân đội hỗ trợ sơ tán người dân vùng "rốn lũ" Mẹ Suốt ở Đà Nẵng đến nơi an toàn

Trong khi đó, Nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai Phan Diễn cho biết, Việt Nam là nước có nhiều thiên tai và được quốc tế cảnh báo là 1 trong 5 nước trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Hàng năm thiên tai thường xảy ra trên đất nước ta, gây ra cho nhân dân ta nhiều thiệt hại về người và của, nhiều mất mát đau lòng. Trong đó, các tỉnh miền Trung là nơi thường gánh chịu nhiều thiên tai nhất trên cả nước. 

“Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, người dân trên cả nước đều quan tâm chia sẻ với bà con các vùng bị thiên tai tàn phá, luôn muốn chung tay giúp đỡ bà con giảm bớt phần nào khó khăn mất mát do thiên tai gây ra”, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn chia sẻ.

Phải làm tốt hơn nữa công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

Theo ông Phan Diễn, Liên Hiệp quốc đã cảnh báo trong những thập kỷ sắp tới, thế giới đang đứng trước các nguy cơ to lớn của biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh. Hiểm họa to lớn và khó lường đến mức có thể thêm hàng trăm triệu con người sẽ thiếu lương thực và nước uống; một số loài động vật và thực vật có thể sẽ tuyệt chủng. 

Mưa lớn, bão lụt, động đất, sóng thần… xảy ra liên tiếp ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu và Châu Phi…trong những năm gần đây là những lời cảnh báo nhãn tiền của xu hướng đó.

W-dsc08128-2.jpg
Nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn phát biểu tại buổi lễ

“Việt Nam là một trong những nước được cảnh báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu vì vậy để có thể tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) một cách bền vững, bảo đảm cuộc sống an lành - hạnh phúc cho người dân, sắp tới chúng ta nhất thiết phải làm tốt hơn nữa công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; đặc biệt phải làm tốt việc chủ động phòng tránh thiên tai”, ông Phan Diễn chia sẻ.

Năm 2008, Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung được Bộ Nội vụ cho phép thành lập, hoạt động trong phạm vi các tỉnh miền Trung. Đến năm 2018, Quỹ được đổi tên thành Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai (QPT) theo quyết định số 2406/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 24/10/2018 và chính thức mở rộng phạm vi hoạt động ra cả nước. 

Mục tiêu hoạt động của QPT hướng tới phục vụ cộng đồng, đặc biệt chú ý đến các nhóm người dễ bị tổn thương trong thiên tai như trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. 

W-z4950976519067-b317b151f81e55201647a62e1d83ff07-2.jpg
Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ NN&PTNT 

Đến nay đã có 88 nhà lớp học và trường học, 20 trạm y tế, 14 nhà sinh hoạt cộng đồng được QPT vận động tài trợ xây dựng trên cả nước. Từ năm 2018, chương trình chung tay giúp trẻ em học bơi an toàn của Quỹ đã tổ chức vận động được hơn 90 tỷ đồng để tài trợ xây dựng 142 bể bơi an toàn trong các trường học. Trong giai đoạn 2011-2014, QPT đã xây dựng 85 đội xung kích phòng chống thiên tai tại 16 tỉnh, tập huấn, trang bị phương tiện cơ bản cho đội hoạt động.

Nhằm nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai cho các địa phương, dự án lắp đặt trạm đo mưa và tháp cảnh báo lũ tự động của Quỹ đã vận động tài trợ lắp đặt 843 trạm đo mưa tự động và 16 tháp cảnh báo lũ tự động. Triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân phòng, chống hạn, mặn hiệu quả…

Văn Giáp và nhóm PV, BTV