Bộ GD-ĐT mới đây công bố đề minh họa môn Toán thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025. Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội, đưa ra những nhận xét, đánh giá và đề xuất đối với đề minh họa này.
Cấu trúc 3 dạng thức phù hợp với đánh giá trên thế giới
Với dạng thức trắc nghiệm có 4 lựa chọn A, B, C, D quen thuộc, dạng này chủ yếu đánh giá năng lực tư duy và lập luận của học sinh, thực hiện thông qua các thao tác tư duy đơn giản như nhận biết, so sánh. Trong phần này, đề gồm có 10 câu ở mức độ nhận biết nhanh các khái niệm, định nghĩa và công thức; 2 câu ở mức độ thông thiểu.
Đây đều là các câu hỏi đơn giản ở mức độ thấp nhất, học sinh trung bình cũng có thể làm.
Đối với dạng thức chọn Đúng/Sai, đề gồm 4 câu, mỗi câu có 4 ý a, b, c, d có độ khó tăng dần và điểm cũng tăng theo: 0,1 – 0,15 – 0,25 – 0,5. Câu càng khó, điểm càng cao sẽ kích thích việc học hỏi, tìm tòi của học sinh. Học sinh phải trả lời 16 ý và thể hiện sự thông hiểu một cách thấu đáo các kiến thức đã học trong chương trình.
Các ý dễ (a, b) thể hiện năng lực tư duy và lập luận; các ý khó hơn (c, d) thể hiện năng lực giải quyết vấn đề. Học sinh khá, giỏi, có khả năng tư duy sâu mới có thể làm được các ý c, d.
Đối với dạng tự luận điền đáp số, đây cũng là một dạng mới. Phần này gồm 6 câu, mỗi câu 0,5 điểm vận dụng kiến thức tổng quát để giải, dạng là tự luận nhưng học sinh chỉ cần nêu lên kết quả cuối cùng trong từng câu, không cần trình bày. Các câu này tập trung vào năng lực giải quyết vấn đề và mô hình hóa toán học.
Thực tế cho thấy, vì không có kết quả để học sinh lựa chọn nên đây thực ra là phần khó ăn điểm. Học sinh cần phân tích, tìm lời giải và thực hiện lời giải (ở nháp), tính toán chính xác và tìm ra đáp số cuối cùng.
Tất cả 6 câu hỏi này đều ở mức vận dụng, phù hợp với học sinh khá giỏi, các học sinh hiểu bản chất của vấn đề và có sự thực hành, tính toán thành thạo.
Đề thi đánh giá năng lực chính xác, tư duy sâu hơn
Khác với 50 câu trắc nghiệm đang dùng, đề mới có nhiều định dạng câu hỏi trong khi lại có ít cách thức để tìm đáp án. Kiểu câu hỏi đúng, sai và điền đáp án với mức độ nâng cao dần đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng có độ sâu tương ứng.
Đề thi này phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bởi mục tiêu lớn nhất của môn Toán là để rèn tư duy. Đề thi mới là làm tốt được việc này, dù các năng lực chưa được “cài cắm” hết, song 3 năng lực cơ bản được thể hiện rất rõ: năng lực tư duy, lập luận toán học; năng lực giải quyết vấn đề; năng lực mô hình hóa toán học.
Bên cạnh đó, đề thi cũng có sự phân loại tốt, vì thế vẫn có thể là một căn cứ để các đại học dùng để tuyển sinh.
Với đề thi kiểu mới này sẽ làm thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá trong nhà trường. Bởi lẽ, học sinh sẽ cần phải học một cách toàn diện, chủ động và thực chất hơn, không còn chờ đợi việc đoán đáp số, thử đáp án hay trông chờ vào việc bấm máy tính.
Cần bổ sung mức độ vận dụng cao
Để việc phân loại học sinh được tốt hơn nữa, đề cần có đủ 4 mức độ, trong đó Nhận biết (3 điểm), Thông hiểu (4 điểm), Vận dụng (2 điểm), Vận dụng cao (1 điểm). Với việc phân bổ như vậy sẽ khuyến khích việc dạy, học Toán và thuận lợi cho tuyển sinh đại học.
Vốn dĩ, môn Toán có 5 năng lực cơ bản. Ngoài 3 năng lực đã có trong đề thi, còn thiếu 2 năng lực giao tiếp toán học và sử dụng công cụ, phương tiện toán học.
Với đề thi kiểu này, không thể đánh giá được năng lực giao tiếp toán học nhưng cần đưa thêm năng lực sử dụng công cụ, phương tiện toán học. Thời đại ngày nay, việc sử dụng công cụ, máy móc, phần mềm rất quan trọng; thiếu năng lực này, đề thi đang bị … lạc hậu.
Một điều khác, các bài toán có yếu tố thực tế của đề thi này vẫn tương tự như các bài trước đây. Chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao tính ứng dụng của Toán học. Do đó, các đề bài cần xuất phát từ một vấn đề cụ thể của cuộc sống, cần đưa Toán vào thực tế, đưa thực tế vào toán, cần có hơi thở của cuộc sống, gần gũi với cuộc sống.
Toán của Việt Nam được xếp thứ hạng cao trên thế giới (xếp thứ 6/112 quốc gia tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2023) song học sinh cũng có điểm yếu cố hữu là “ứng dụng kém”, là “gà công nghiệp”… Vì thế học được thì cần phải làm được, học đi đôi với hành ngay cả trong đề thi.
Trần Mạnh Tùng