Theo phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây, thí sinh dự thi sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
- Em học đều các môn và muốn thi nhiều môn để có nhiều cơ hội xét tuyển với nhiều tổ hợp khác nhau. Vậy ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngoài 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn), em có được đăng ký thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn không? (Tuấn Anh - học sinh lớp 11, Vĩnh Phúc):
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố là mô hình 2+2, tức là 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.
Về tổ chức thi, với mô hình như hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa cho phép thực hiện đăng ký quá 2 môn lựa chọn. Bởi với mô hình chọn 2 trong số 9 môn, vẫn có tới 36 tổ hợp lựa chọn khác nhau. Như vậy, không cho phép nối nhiều hơn với môn lựa chọn thứ ba, bởi dễ xảy ra sự trùng lặp.
Tuy nhiên đó, không phải lý do chính. Chúng tôi xem xét, cân nhắc những mặt nào có lợi nhiều hơn, ưu tiên thực hiện. Trong khi số lượng học sinh có nguyện vọng nhiều hơn 2 môn lựa chọn cũng không nhiều.
Chưa kể, các em có thể đăng ký thi nhiều môn, trong khi, thực tế trúng tuyển cũng chỉ vào 1 trường bằng 1 tổ hợp. Bên cạnh đó, việc đi học thêm, ôn luyện nhiều môn gây tốn kém, lãng phí thời gian và tiền bạc.
Do đó, trước mắt, xuất phát từ những điều có lợi trước mắt, vừa tiết kiệm cho học sinh, phụ huynh và toàn xã hội, chúng ta chỉ thực hiện “2+2” trước.
GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Dù mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn, nhưng với vai trò Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị đề thi cho tất cả các môn thi, đặc biệt cả những môn mới như Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật... Chúng tôi thống kê có 18 môn thi nếu làm đề. Vì vậy khối lượng công việc của Bộ GD-ĐT sẽ cao hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT đang tổ chức. Chúng tôi xác định khâu xây dựng đề thi là một trong những việc khó khăn nhất.
- Hiện nay, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngay đầu vào lớp 10, bên cạnh các môn bắt buộc, học sinh phải lựa chọn các tổ hợp môn tự chọn. Vậy 2 môn lựa chọn khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025 có bắt buộc phải trong danh sách các môn đã đăng ký học, hay thí sinh có thể đăng ký bất kỳ môn học nào? (Thanh Mai, học sinh lớp 10, Quảng Ninh):
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Khi nghiên cứu phương thức thi, chúng tôi luôn tính toán đồng bộ với quá trình dạy và học. Việc chuyển tổ hợp từ lớp trước sang lớp sau là được phép.
Trong quá trình làm phương án thi, chúng tôi đã nghiên cứu và nêu rất rõ là các môn lựa chọn trong các môn còn lại ở lớp 12. Có nghĩa là các em được phép chuyển tổ hợp môn học ở lớp 10 và lớp 11; nhưng môn đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025 phải được học ở lớp 12.
Cũng phải nói thêm, các môn thi tốt nghiệp buộc phải được học ở lớp 12 để phục vụ mục đích quan trọng sau này là đánh giá ngược, tức là sử dụng kết quả thi để có tác động ngược lên việc dạy và học.
- Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dành cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Vậy cách ra đề thi, định dạng và nội dung đề thi đổi mới ra sao? (chị Ngọc Trang, phụ huynh Nghệ An):
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải có tính kế thừa. Bởi lứa học sinh thi vào năm 2025 là lứa đầu tiên và chỉ có 3 năm THPT học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025 ngoài ra phải khắc phục một số vấn đề, như việc phải cân đối độ tin cậy, thậm chí giữa các môn học khác nhau. Chúng tôi cũng đang tích cực nghiên cứu, sử dụng lý thuyết khảo thí hiện đại, để làm sao tránh tình trạng độ lệch điểm quá lớn giữa một số môn, như nhóm môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.
Về ngân hàng đề thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo và một trong đó là mô hình phát triển đi từ cơ sở. Trong tháng 12/2023, Bộ đã có cuộc tập huấn đầu tiên cho giáo viên của tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ tất cả 63 sở GD-ĐT cũng như một số cơ sở giáo dục đại học có tham gia, đóng góp nhiều trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt tập huấn này được thực hiện trực tuyến bởi Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS).
Như vậy, đây chính là đội ngũ cốt lõi; khi nắm vững chương trình, lý thuyết quản lý, công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi sẽ được thay đổi, thay vì mời một số cá nhân xây dựng theo tính chất nhỏ lẻ như mọi năm.