PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bám sát nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (môn Ngữ văn theo hình thức tự luận; các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm).
Về cấu trúc định dạng, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính kế thừa khi các môn vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Bên cạnh đó, sẽ có tính phát triển là thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn và thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo Chương trình phổ thông 2018. Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần.
Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng.
Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng Đúng/Sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn Đúng hoặc Sai.
Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình.
Theo ông Hà, với dạng câu hỏi trắc nghiệm Đúng/Sai, sẽ kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi. Kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao. “Như vậy, mặc dù 1 câu nhưng 4 lần hỏi khác nhau, tương đương với 4 câu trắc nghiệm như kỳ thi hiện hành có 1 lệnh hỏi. Do đó, cho phép kiểm tra, đánh giá được đồng thời nhiều biểu hiện năng lực”, ông Hà nói.
Còn với dạng trả lời ngắn, theo ông Hà, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận. “Với dạng này, đề không thiết kế có phương án đưa ra trước mà học sinh phải tự đưa ra đáp số, kết quả”, ông Hà nói.
Dù vậy, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết từ năm 2025, định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi là sẽ phát huy trí tuệ toàn ngành và có “tính mở”. Điều này thể hiện bằng việc câu hỏi thi sẽ được lựa chọn từ đề khảo sát của các sở, của các trường, đề kiểm tra học kỳ... Các đơn vị sẽ gửi đề thi kèm kết quả chấm để cơ quan chuyên môn của Bộ GD-ĐT phân tích đề thi bằng lý thuyết khảo thí. Sau phân tích, các câu hỏi “tốt” sẽ được lựa chọn vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho rằng, đề minh họa và cấu trúc, định dạng đề thi theo hướng này tác động rất mạnh đến việc dạy và học. Theo ông Khâm, giáo viên phải dạy kỹ, căn bản, đầy đủ mới phủ hết kiến thức cho học sinh có thể hoàn thành bài thi.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải dạy các phương pháp tư duy, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. “Học sinh lập luận, quy trình tính toán vững vàng mới giải quyết được các câu hỏi ngắn cũng như câu hỏi yêu cầu trả lời đúng/sai một cách hoàn thiện.
Với phương án này, không thể còn việc dạy quen thuộc để tính nhanh ra kết quả nữa. Muốn đạt điểm cao học sinh phải cẩn thận, vững vàng, tư duy mạch lạc. Phom đề như vậy - hạn chế được tối đa yếu tố may rủi, kết quả thi, kiểm tra, đánh giá sẽ rất chính xác.
Đề thi sẽ từ cơ sở và đã qua sử dụng tại các cơ sở, sau đó cung cấp cho ngân hàng đề. Qua cơ sở, sẽ biết câu nào nhiều/ít học sinh làm được, hiểu rõ các cấp độ của câu hỏi”, ông Khâm nói.
Nhiều ý kiến cũng lưu ý vấn đề ra đề thi. Một giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho hay, sau khi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cô cùng một số đồng nghiệp xây dựng đề thử nghiệm cho học sinh toàn tỉnh.
Tuy nhiên, cũng qua đó, cô Dương thấy, để xây dựng đề thi theo dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đòi hỏi người giáo viên đầu tư rất nhiều công sức, phải biết thiết kế, sử dụng các kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn và đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.
“Hơn nữa, ngữ liệu trong đề thi mang tính mở rất cao, phát huy tính sáng tạo của người học. Tuy nhiên tôi nhận thấy đây là quá trình tự đào tạo của giáo viên. Tôi tin tưởng với cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tạo ra một động lực để thúc đẩy sự phát triển của người học cũng như người dạy”.
Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn, cũng cho rằng, kỹ năng ra đề thi có những câu hỏi trắc nghiệm với những định dạng mới là không hề đơn giản.
“Rất mong Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng việc này ngay trong năm nay và năm 2025 cho giáo viên lan tỏa dần trong công tác kiểm tra, đánh giá hằng ngày”, bà Vân nói.
Đồng tình với hướng cấu trúc đề thi, song bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, đề nghị việc thực hiện quy trình làm đề cần đảm bảo độ tin cậy, trung thực, bảo mật, chính xác, khách quan và hiệu quả.
Cùng đó, bà Hương bày tỏ mong mỏi Bộ GD-ĐT quan tâm đến việc lựa chọn đội ngũ thực hiện công tác ra đề thi. “Đây là một trong những yếu tố quan trọng và quyết định đến chất lượng đề thi. Đội ngũ này phải đảm bảo về năng lực chuyên môn, phẩm chất và có kinh nghiệm. Cùng đó cần đảm bảo số lượng thành viên và thời gian bởi đây là việc rất khó và nhiều áp lực, nếu không đảm bảo số lượng hay thời gian không đủ thì sẽ rất dễ dẫn đến sai sót”.
Ngoài ra, bà Hương cho rằng cũng cần lưu ý đến nội dung của đề thi.
Bởi chương trình phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, nhưng sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. “Cùng một chương trình nhưng ngữ liệu trong từng bộ sách giáo khoa là khác nhau. Có những nội dung mà cách biểu đạt có thể khác nhau. Do đó, khi làm đề thi cần thống nhất một số nội dung trong diễn đạt để tạo thuận cho công tác ra đề cũng như tránh việc hiểu nhầm của thí sinh”, bà Hương nói.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng cũng cần lưu ý việc môn Tin học và Công nghệ lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp THPT, cần làm rõ việc định hướng trong đề thi.
Thứ hai, do chương trình mang tính mở cao, nên các đơn vị được tự do chọn công cụ, chủ đề dạy học. Vì vậy, cần xác định phạm vi thi, các nội dung tài liệu để đảm bảo phù hợp với tất cả học sinh.