Để thương mại điện tử (TMĐT) đến gần hơn với người dân nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều kế hoạch hỗ trợ, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay đã có rất nhiều HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng hướng dẫn, làm quen với kênh bán hàng TMĐT.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh đã có trên 5.568 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, 188 website bán hàng được duyệt điện tử, trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; gần 500 sản phẩm nông sản của Thanh Hóa đã được đưa lên sàn bán hàng trực tuyến.
Các sản phẩm của tỉnh tham gia sàn TMĐT ngày càng phong phú, đa dạng. Từ các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến, như: chè, cà phê đến các loại hoa quả sấy khô, sản phẩm quả tươi, xoài, nhãn, chanh leo, mật ong... Đặc biệt hiện đã có hơn 50 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản được đăng tải lên các sàn giao dịch TMĐT.
Theo ông Lê Văn Khoa, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Công nghệ số thực sự là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Các sàn TMĐT không chỉ đơn thuần là cầu nối giữa sản xuất và người tiêu dùng, mà còn là kênh quảng bá, giới thiệu nông sản của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước theo hướng hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Trong đó, lợi ích lớn nhất mà sàn TMĐT mang lại chính là giúp người nông dân tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh số bán hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Song, để TMĐT có thể đến gần hơn với thị trường nông thôn, theo ông Khoa, các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ bản chất, tầm quan trọng, tiếp cận linh hoạt, sáng tạo trên nền tảng số để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, để ứng dụng tốt công nghệ điện tử trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh, đem lại giá trị cao hơn cho người sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế số, cần cập nhật kiến thức cần thiết trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.
Những năm gần đây, Sở Công Thương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT trên các phương tiện truyền thông, thông tin về kỹ năng ứng dụng TMĐT và giới thiệu về Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Thanh Hóa. Cập nhật thông tin sàn giao dịch TMĐT của tỉnh (http://thuongmaidientuthanhhoa.vn) trên cổng thông tin điện tử của sở để kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các hàng hóa của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến, đến hết tháng 10/2023, sẽ có thêm 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn giao dịch TMĐT. Tham gia sàn giao dịch TMĐT, các cơ sở sản xuất được hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; kỹ năng thực hiện quy trình đóng gói, kết nối mua bán.
Đồng thời, bà con nông dân còn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cụ thể để bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng. Bên cạnh việc tập huấn, phổ biến kỹ năng giao dịch trên sàn TMĐT cho các hộ sản xuất, kinh doanh, Sở Công Thương đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”.
Đồng thời, phối hợp với VNPT Thanh Hóa, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản của tỉnh.
Thông qua sàn giao dịch TMĐT, nông sản của tỉnh sẽ tiếp cận với khách hàng tiêu thụ trên khắp cả nước nhanh hơn, trực diện hơn, góp phần lan tỏa quảng bá thương hiệu cho tỉnh. Nhờ đó, nông dân nhanh chóng làm quen với hình thức quảng cáo, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa theo hướng hiện đại hơn.
Theo Chi Phạm (Báo Thanh Hoá)