“Hầu như xe nào cũng để tiền, không thì sẽ bị "hành" cho đủ kiểu”; “nếu không bỏ tiền ra thì kiểu gì đăng kiểm viên cũng bắt lỗi”… Đó là một trong những phản hồi của độc giả sau bài viết: “Luật bất thành văn” khi đưa xe ô tô đi đăng kiểm, được đăng tải trên VietNamNet.
Bạn đọc Khanh Tran cho hay, 2 lần đi kiểm định xe phải xếp hàng lại từ đầu vì quên không để tiền trong xe.
“Ngày trước, tôi có mua lại một xe đã lăn bánh 3 năm. Sau khi đưa vào hãng xe kiểm tra kỹ, bảo dưỡng... tôi mới đem đi kiểm định. Tôi bị từ chối vì xe không đủ điều kiện. Xếp hàng lại lần 2, được mách, tôi "bỏ quên" ít tiền trong xe thì mới qua.
Sau này, khi mua một chiếc xe mới, tôi yên tâm đi đăng kiểm và không bỏ tiền trong xe. Kết quả, sau khi chạy hết vòng kiểm tra, tôi được yêu cầu đưa ra xếp hàng kiểm tra lại. Tôi là người thiếu hiểu biết về kỹ thuật và cảm thấy mệt mỏi vì phải xếp hàng cả giờ nên lần sau phải "để quên" trong xe ít tiền”, một bạn đọc nêu.
Nhiều bạn đọc cho hay, cực chẳng đã họ mới phải “để quên" tiền như thế.
Bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Đó là việc cực chẳng đã, ngoại trừ những trường hợp cố tình vi phạm do xe đã thay đổi kết cấu, buộc phải bôi trơn. Còn lại, đại đa số chủ phương tiện đều biết rằng, nếu không bỏ tiền, dù xe có đạt yêu cầu cũng bị "hành" cho lên bờ xuống ruộng”.
Chung quan điểm này, bạn đọc có số điện thoại đuôi 0088 cho biết, đã đi kiểm định nhiều nơi và nhận thấy nếu không bỏ tiền ra thì đăng kiểm viên sẽ bắt lỗi. “Xe con thì nhận ít, xe to thì đăng kiểm viên nhận nhiều tiền. Đơn cử như chạy xe khách vào đăng kiểm, tôi đưa 300 nghìn đồng nhưng đăng kiểm viên bảo 500 nghìn đồng mới được", bạn đọc này viết.
Tương tự, bạn đọc Khuong Nguyen nhấn mạnh: “Không ai muốn bỏ (để) tiền vào xe khi đi đăng kiểm cả, nhưng không bỏ sẽ bị đánh rớt”.
Bạn Ha Th. cũng khẳng định: “Không có tiền để trong ca bin xe sẽ khó qua ải kiểm định dù xe còn mới. Không ai dại đem tiền ra cho người khác nếu không bị làm khó”.
Nhiều trung tâm không “bôi” mà vẫn “trơn”
Một bạn đọc tên Thanh bày tỏ: "Tôi không bao che cho đăng kiểm. Nhưng có lẽ người dân đã tự truyền miệng nhau đưa 100-200 ngàn đồng làm hư đăng kiểm viên. Bản thân tôi không biết có lệ này nên khi đưa xe đi làm rất nhiều lần tại Cầu Giấy (Hà Nội) không bỏ lại tiền trong capo. Đăng kiểm viên không làm bất kỳ việc gì gây khó dễ. Có lẽ chúng ta cũng đã góp phần làm hư họ".
Bạn đọc Nguyen Xuan Vinh chia sẻ: Tôi mua xe đã 9 năm và chưa bao giờ bị gây khó dễ hoặc phải "làm luật". Nói thật, là do nhiều phương tiện không đáp ứng yêu cầu của đăng kiểm và muốn cho được việc nên chủ xe mới đi "làm luật".
Nhiều người khẳng định có hành vi “vòi tiền”, nhận tiền “trắng trợn” từ các trung tâm đăng kiểm nhưng cũng có người chỉ ra những trung tâm không xảy ra tình trạng này.
Độc giả tên Quân viết: “Theo tôi cũng tùy nơi. Tôi đăng kiểm xe tại thành phố Vĩnh Long (trạm gần bến xe mới) 2 lần. Tôi không hề bỏ tiền nhưng xe tôi vẫn đăng kiểm trơn tru, không hề bị gây khó dễ”.
Tương tự bạn Lâm Nguyên cũng cho hay: “Nếu các bạn đến trạm đăng kiểm tại Tống Văn Trân quận 11 (TP.HCM) thì không bao giờ cần bỏ chi phí trên xe nếu xe mình thật sự muốn kiểm định để an toàn.
Tôi và rất nhiều bạn đi đăng kiểm tại nơi này đều rất thích vì họ làm nhanh và không có vấn đề đòi hỏi. Rất mừng là trong đợt sóng gió vừa qua, trung tâm này không có trong danh sách bị đóng cửa để phục vụ điều tra”.
Một bạn đọc ở Tây Ninh cũng cho hay, đi đăng kiểm tại Trảng Bàng không mất phí "bôi trơn", thái độ phục vụ rất tốt. Cánh lái xe bảo nhau, xe đăng kiểm ở đây là an toàn nhất.