Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc xây dựng TPHCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế là một bước đi chiến lược cho quá trình phát triển bền vững, thể hiện khát vọng vươn mình, nâng tầm vị thế quốc gia.
LTS: Sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã chuyển mình, trở thành trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Nơi đây, dòng chảy đổi mới không ngừng len lỏi vào từng lĩnh vực - từ hạ tầng, công nghệ cho đến cách người dân sống, làm việc và kết nối với thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo những bài toán không dễ giải: áp lực dân số, hạ tầng quá tải, biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển giữa nội thành và vùng ven…
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai nhiều quyết sách lớn để tạo thế và lực mới cho đất nước, TPHCM - với vai trò là đầu tàu - cũng cần nhanh chóng "giải” những bài toán của riêng mình với một tầm nhìn dài hạn, bao quát và thực tiễn.
VietNamNet giới thiệu loạt bài “TPHCM: Tháo gỡ những điểm nghẽn để vươn mình trong tương lai”. Đây là tập hợp các đề xuất và tư vấn chiến lược từ các chuyên gia làm việc lâu năm ở các quốc gia phát triển, có góc nhìn toàn cầu nhưng luôn đau đáu với tương lai của thành phố. Tất cả đều chung một mong muốn: TPHCM sẽ trở thành một đô thị thông minh, đáng sống, hài hòa với thiên nhiên, mang bản sắc riêng trong dòng chảy toàn cầu hóa.
TS Bùi Mẫn là kỹ sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Ông là chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất với hơn 20 năm kinh nghiệm.
Ông từng làm giảng viên cầu đường tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, làm việc cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh như Fugro, WS Atkins, Amec Foster Wheeler.
VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của TS Bùi Mẫn về những vấn đề TPHCM có thể học hỏi từ Dubai khi hướng đến mục tiêu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế.
TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: Nguyễn Huế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và cạnh tranh giữa các đô thị lớn trên thế giới ngày càng gay gắt, việc xây dựng TPHCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế là một bước đi chiến lược cho quá trình phát triển bền vững, thể hiện khát vọng vươn mình, nâng tầm vị thế quốc gia.
Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, điều quan trọng đầu tiên là chúng ta cần thiết lập một “mô hình trung tâm tài chính quốc tế cụ thể”, một thực thể tổ chức rõ ràng, đủ sức cạnh tranh, với cơ chế chuyên nghiệp, khung pháp lý riêng biệt, được vận hành hiệu quả trong điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Từ mô hình đó, nếu được vận hành kiên định và bài bản, theo thời gian, TPHCM sẽ hội nhập sâu với mạng lưới tài chính toàn cầu và trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn, nhân lực và sáng tạo tài chính quốc tế.
4 trụ cột nền tảng
Một mô hình tham khảo tiêu biểu là Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (Dubai International Financial Centre, DIFC).
Được thành lập năm 2004, DIFC là một đặc khu kinh tế rộng 110ha nằm ngay trung tâm Dubai, phía bắc của Burj Khalifa, trên trục đường Sheikh Zayed Road. DIFC đóng vai trò then chốt như một trung tâm tài chính toàn cầu cho khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Á (MEASA).
Sự thành công của DIFC không chỉ tạo ra động lực chuyển đổi mạnh mẽ cho chính Dubai mà còn trở thành hình mẫu được nhiều trung tâm tài chính trên thế giới tham khảo. Mô hình này được vận hành dựa trên 4 trụ cột nền tảng.
Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai được thành lập năm 2004, là một đặc khu kinh tế rộng 110ha. Ảnh: TL
Thứ nhất là khung pháp lý riêng. DIFC hoạt động dưới một hệ thống pháp luật và tư pháp riêng biệt, dựa trên thông luật Anh quốc, hoàn toàn tách biệt với hệ thống pháp lý của Dubai và UAE. Các luật và quy định tại DIFC được soạn thảo bằng tiếng Anh, với các thẩm phán đến từ những quốc gia áp dụng thông luật như Anh, Singapore và Honkong. DIFC có hệ thống tòa án độc lập để giải quyết các tranh chấp dân sự và thương mại, đảm bảo tính minh bạch, khách quan và chuyên nghiệp.
Thứ hai là môi trường kinh doanh ưu đãi. Các công ty nước ngoài đăng ký hoạt động tại DIFC có thể sở hữu 100% vốn, không cần đối tác địa phương. Họ được miễn thuế thu nhập và lợi nhuận doanh nghiệp trong vòng 50 năm, đồng thời được bảo đảm không chịu thuế thu nhập cá nhân. Việc chuyển vốn, ngoại hối và lợi nhuận vào/ra khỏi UAE không bị hạn chế. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và hấp dẫn giới đầu tư toàn cầu.
Thứ ba là cơ sở vật chất hiện đại. DIFC cung cấp không gian làm việc chuẩn quốc tế và các trung tâm dữ liệu tiên tiến. Có 4 trung tâm dữ liệu quy mô lớn phục vụ cho hàng ngàn công ty tài chính quốc tế, đảm bảo khả năng kết nối mạnh mẽ và an toàn cao trong giao dịch.
Thứ tư là cơ quan quản lý độc lập. DIFC được điều hành bởi Hội đồng DIFC, đơn vị chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược và giám sát hoạt động của trung tâm, cùng với Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai (DFSA), đóng vai trò là cơ quan quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Khác với các khu tài chính thông thường, có thể ví von DIFC hoạt động như một “sân bay quốc tế”. Tại đây, mọi dòng vốn, nhân sự, dịch vụ tài chính, pháp lý và công nghệ có thể lưu thông tự do trong khi vẫn nằm trong không gian chính trị và địa lý của Dubai.
Bốn trụ cột này đã mang lại các lợi ích vô cùng to lớn. DIFC thu hút sự hiện diện của các công ty hàng đầu thế giới. Hiện tại, hơn 6.920 công ty tài chính quốc tế với 46.000 chuyên gia tài chính đang hoạt động tại đây.
TPHCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế để nâng cao vị thế kinh tế và thu hút đầu tư toàn cầu. Ảnh: Hoàng Hà
Dubai đón nhận một dòng tiền, nhân lực và dịch vụ tài chính cao cấp, giúp Dubai trở thành một trong 20 trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Các dịch vụ tài chính, luật, kiểm toán và tư vấn chất lượng cao đã được “xuất khẩu” cho toàn khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Á. Đây là dạng “xuất khẩu vô hình” nhưng giá trị lớn và bền vững.
Thu hút giới chuyên gia, doanh nhân giàu có đến làm việc và định cư
Với hàng trăm công ty tài chính và dịch vụ phụ trợ, Dubai đã sở hữu cụm ngành dịch vụ tài chính khép kín: từ ngân hàng, quản lý tài sản đến bảo hiểm, fintech, luật và công nghệ. Hệ sinh thái này mang lại giá trị cộng hưởng lớn, giúp Dubai giảm lệ thuộc vào bất động sản, dầu khí và du lịch. Lĩnh vực tài chính đóng góp ngày càng lớn vào GDP của Dubai, đồng thời giảm rủi ro trong các giai đoạn khủng hoảng toàn cầu.
Sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý góp phần cải thiện uy tín tín dụng, môi trường đầu tư và chuẩn hóa các quy trình pháp lý, hành chính theo thông lệ quốc tế.
Trung tâm đào tạo quốc tế và vườn ươm (có tên gọi là FinTech Hive) nâng cao nguồn nhân lực và thúc đẩy công nghệ tài chính. Sự hiện diện của hàng chục nghìn chuyên gia quốc tế tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh về tri thức. Việc này cũng tạo công ăn việc làm chất lượng cao, ít rủi ro, nâng tiêu chuẩn, văn hoá công sở, đồng thời thúc đẩy dịch vụ tài chính xanh, tài chính bền vững.
Không chỉ là nơi làm việc, DIFC còn là khu đô thị cao cấp với không gian sống, nghệ thuật, ẩm thực và tiện ích đẳng cấp, giúp thu hút giới chuyên gia, doanh nhân giàu có đến làm việc và định cư.
DIFC là điển hình cho một “ốc đảo thể chế quốc tế” được đặt trong lòng một thành phố để thúc đẩy tăng trưởng. Cũng như một sân bay quốc tế kết nối thế giới, DIFC giúp Dubai trở thành một trung tâm tài chính hàng đầu mà vẫn giữ được cấu trúc thể chế ổn định. Đây là mô hình mà chúng ta hướng tới, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về vốn, nhân lực và uy tín khốc liệt hơn bao giờ hết.
Với TPHCM, mô hình DIFC là bài học về phát triển tài chính và là một tham chiếu chiến lược cho việc xây dựng các không gian thể chế linh hoạt, nơi thành phố có thể thử nghiệm cải cách, thu hút nguồn lực quốc tế, và vươn mình trở thành trung tâm khu vực trong thế kỷ 21.
Bài tiếp: Quy hoạch sông Sài Gòn: Đã đến lúc TPHCM khai thác ‘mỏ vàng’
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở TPHCM và Đà Nẵng là tất yếu. Không làm thì không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Trước đề nghị của Thủ tướng mong muốn phía UAE hỗ trợ xây dựng, đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Đầu tư UAE bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng.