Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, hiện nay luật quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Tuy nhiên, theo nhận định của người lao động và doanh nghiệp thì độ tuổi này chỉ phù hợp với người làm việc gián tiếp còn lao động trực tiếp đa phần phải nghỉ trước tuổi hưu do sức khỏe không đảm bảo, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người lao động. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo 2 đối tượng trực tiếp và gián tiếp cho phù hợp.
Về vấn đề này, mới đây đoàn viên người lao động tại tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu xuống 5 năm cho các công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, làm công việc nặng nhọc, độc hại; cho phép một số ngành nghề đặc thù nghỉ hưu sớm như: giáo viên mầm non, người bảo vệ rừng…
Thực tế, luật hiện hành đã có những quy định riêng để xem xét cho nghỉ hưu sớm hơn với nhóm, ngành nghề độc hại, đặc thù.
Việc thực hiện tuổi hưởng lương hưu theo tuổi nghỉ hưu quy định là tăng dần theo lộ trình đến mốc nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi đối với người lao động trong các doanh nghiệp và giáo viên rất bất hợp lý.
Người lao động sẽ không thể làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà sẽ phải nghỉ sớm hơn. Điều này dẫn tới họ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu (mỗi năm nghỉ sớm bị trừ 2%), chịu thiệt thòi lớn. Cử tri kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu xem xét lại quy định này.
Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Công đoàn BHXH quận Long Biên (Hà Nội), về thời gian đóng BHXH để tính mức lương hưu hằng tháng, theo quy định tại Điều 64 dự thảo Luật BHXH sửa đổi thì tuổi nghỉ hưu đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi).
Trong khi đó, tại Điều 66 dự thảo Luật quy định thời gian đóng BHXH để tính mức lương hưu hằng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ) là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho lao động nam.
Vì vậy, đại diện BHXH quận Long Biên đề nghị xem xét sửa theo hướng giảm thời gian đóng BHXH của nam là 17 hoặc 18 năm để đảm bảo hợp lý.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo Bộ luật Lao động mới sửa đổi và tinh thần Nghị quyết 28 Trung ương, đã có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Do vậy, nếu đề xuất giảm tuổi hưu sẽ rất khó.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi có thể đề xuất bổ sung thêm các đối tượng được về hưu sớm so với quy định hiện hành.
Ngoài lao động nặng nhọc, độc hại, có thể đề xuất áp dụng với các ngành nghề như: Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, lao động trực tiếp nặng nhọc… Những đối tượng này được về hưu trước tuổi và giữ nguyên chế độ hưởng tối đa 75% lương đóng BHXH.
BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 tuổi, so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, và thuộc một trong các trường hợp dưới đây: Có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn tối đa 10 tuổi, so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nếu có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và thêm một trong các điều kiện sau: Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Người lao động không bị quy định giới hạn về tuổi đời khi đã có đủ 20 năm đóng BHXH và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành. |