Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định Luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi. Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến sau thông qua có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2024. Trong dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất nội dung mới so với quy định hiện hành.
Theo Bộ Công an, Luật Quốc tịch Việt Nam không có khái niệm về "người chưa xác định được quốc tịch". Nhưng hiện nay ở nước ta có 31.117 người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch.
Trong số này, 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch, tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...
Ngoài ra, còn có 16.161 trường hợp không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương... Vì vậy, Bộ Công an đề xuất bổ sung một điều trong dự thảo luật CCCD sửa đổi về quản lý người gốc Việt Nam.
Theo đó, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch gồm: Người từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống; hoặc con ruột, cháu ruột của những người này.
Người gốc Việt Nam được cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam và giấy chứng nhận căn cước. Đây sẽ là giấy tờ tùy thân của người gốc Việt Nam, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Công an tổng hợp và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý Hồ sơ dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Bộ Tư Pháp có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc điều chỉnh đối với tài khoản định danh điện tử. Trường hợp bổ sung đối tượng là người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam thì cần phải điều chỉnh tên gọi của Luật cho phù hợp.
Giải trình tiếp thu ý kiến trên của Bộ Tư pháp, Bộ Công an cho rằng, Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về định danh điện tử (căn cước điện tử) đối với cá nhân trên môi trường điện tử.
Quy định của pháp luật về các vấn đề trên chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật.
Trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác, nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật, bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân.
Do vậy, việc mở rộng, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật Căn cước công dân là cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.