Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; vấn đề về quy hoạch đô thị, nội thành, ngoại thành, nông thôn được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu, trước đây có TP thuộc tỉnh, nhưng bây giờ có TP thuộc TP, "gọi như vậy sẽ rất lẫn".

Ông Huân đặt vấn đề có nên đưa khái niệm như "siêu đô thị" vào trong dự thảo Luật để tránh tình trạng phải gọi TP Thủ Đức thuộc TPHCM, sau này sẽ có TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng hay TP Mê Linh - Hà Nội thì có từ "Thủ đô" rất riêng biệt.

Đại biểu cho biết, ở nước ngoài, tiếng Anh dùng từ "metropolis" với nghĩa là "siêu đô thị". Chúng ta xem có nên đưa khái niệm này vào hay không. Hiện nay quy định 6 loại đô thị, trong đó có loại đô thị đặc biệt, những đô thị đặc biệt có nên gọi là "siêu đô thị" không.

Theo ông Huân, vấn đề này nên xem xét để nếu sau này những TP khác như TP Hải Phòng mà có TP con trực thuộc sẽ được nâng lên thành "siêu đô thị".

202410250848416918_z5964956191322_b63aa97a6d030f7a21deb3af04c0668d.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, ở nước ngoài thường phân làm 3 vùng theo tiếng Anh là "urban, suburbs, rural" - "nội thành, ngoại ô, nông thôn". Ông cho rằng trong quy hoạch đô thị thì có thể bao gồm nội thị và ngoại ô, còn nông thôn vẫn là nông thôn. 

Theo ông Cảnh, định nghĩa nội đô là một khu vực mật độ dân số cao, có nhiều đặc điểm do con người xây dựng với mật độ các tòa nhà cao tầng, trụ sở và cơ sở hạ tầng, có hệ thống giao thông công cộng rộng khắp, có nhiều tiện nghi để phát triển kinh tế và văn hóa đa dạng.

Ngoại ô là khu dân cư nằm ngoài nội đô, thường có mật độ dân cư thấp hơn và chủ yếu dân cư ở nhà riêng lẻ, có nhiều công viên, trường học, thông thường có nhiều không gian xanh hơn khu nội đô và thường sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới trung tâm thành phố để làm việc và giải trí.

Nông thôn là khu vực đặc trưng đất nông nghiệp và mật độ dân cư thấp, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên.

Ông Cảnh cho rằng nếu quy hoạch như vậy thì sau này tránh trường hợp đô thị hóa nông thôn, nhiều vùng thuộc đô thị không phát triển, nhiều vùng lại thua cả vùng nông thôn.

202410251045500036_z5965431238878_4743b6f38bac270d64bee5a78c0fb610.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Quốc hội

Ông Cảnh nhấn mạnh, nông thôn là nơi giữ văn hóa của mỗi đất nước, dân tộc; có thể "hiện đại hóa nông thôn" nhưng hạn chế "đô thị hóa nông thôn" để giữ đặc trưng của từng vùng...

Làm rõ thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, "nội thành, nội thị" là khái niệm phát triển đô thị, phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính. Nội dung này không thuộc phạm vi, đối tượng lập quy hoạch, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Ngoài ra, quy định về nội thị, nội thành hay ngoại thành, ngoại thị được quy định rõ tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính và sẽ được làm rõ tại Luật Quản lý phát triển đô thị trình Quốc hội ở kỳ họp sau. 

202410251045500192_z5965433828675_4249c062518baf9c47b3455f8ff6f948.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quốc hội

Về phạm vi lập quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc lập theo phạm vi lãnh thổ để đảm bảo yêu cầu về sự đồng bộ, gắn kết hiệu quả trong sự chuyển hóa giữa không gian đô thị và nông thôn, phù hợp với thực tiễn, trong đó có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn.

Trong TP có huyện, xã ngoại thành, trong thị xã thì có xã ngoại thị, trong huyện thì có thị trấn, theo Bộ trưởng đây là tính thực tế của đô thị, nông thôn trong phạm vi lãnh thổ có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý để làm rõ hơn phạm vi lập quy hoạch.