Tờ Wall Street Journal (WSJ) trích dẫn các nguồn tin cho hay, Mỹ đang chờ phản ứng của Kiev liên quan tới việc Washington cân nhắc công nhận bán đảo Crưm thuộc Nga và từ chối để Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét ý tưởng thiết lập quy chế trung lập cho khu vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. 

“Trong tuần này, Ukraine đang chịu sức ép phải đưa ra phản ứng trước loạt đề xuất sâu rộng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về cách chấm dứt xung đột ở Ukraine thông qua nhượng bộ Nga, bao gồm cả khả năng Mỹ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crưm năm 2014 và loại trừ khả năng Kiev gia nhập NATO”, WSJ cho hay.  

my nga ukraine 1.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ảnh: Pravda

WSJ dẫn lời các quan chức phương Tây tiết lộ, những ý tưởng trên nằm trong một văn bản được các quan chức Chính phủ Mỹ trình bày với những người đồng cấp Ukraine tại Paris hôm 17/4. Nội dung này cũng được chia sẻ với các quan chức cấp cao châu Âu vào thời điểm cuộc họp diễn ra. 

“Mỹ đang chờ phản ứng của Kiev và được cho sẽ đưa ra trong cuộc họp của giới chức Mỹ, Ukraine và châu Âu ở London vào cuối tuần này. Sau đó, nếu có sự đồng thuận trong quan điểm của Mỹ, châu Âu và Ukraine, các đề xuất có thể được gửi tới Moscow”, WSJ đưa tin. 

Để gia tăng áp lực với cả Nga và Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ hôm 18/4 cảnh báo Washington có thể dừng những nỗ lực đàm phán về hòa bình ở Ukraine nếu không đạt tiến triển trong vài tuần tới. 

“Cú thúc ngoại giao của Mỹ nhằm tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn sẽ được mở rộng dọc các đường chiến tuyến hiện tại và cả giải quyết xung đột. Song, việc chấp nhận một vài trong số những ý tưởng của chính quyền Tổng thống Trump có thể là khó khăn đối với Kiev, do Ukraine từ lâu đã từ chối công nhận quyền hợp pháp của Nga tại những khu vực Moscow kiểm soát ở nước này”, WSJ dẫn lời các nguồn tin nhấn mạnh. 

WSJ cho rằng, việc Mỹ công nhận quyền kiểm soát của Moscow với bán đảo Crưm thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào Nga năm 2014 sẽ trái ngược với chính sách kéo dài hơn một thập kỷ qua của Mỹ, dưới thời các nhà lãnh đạo thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ Mike Pompeo đã gọi việc Nga sáp nhập Crưm là mối đe dọa và “không quốc gia nào có thể thay đổi biên giới của nước khác bằng vũ lực”. Thậm chí, Quốc hội Mỹ cũng từng thông qua luật phản đối công nhận bán đảo Crưm là của Nga. 

Đáng nói, một trong những đề xuất Washington đang chờ Kiev phản hồi còn liên quan tới việc xem vùng lãnh thổ quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là vùng trung lập và có thể nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Trong cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 3, ông Trump đã nhắc tới việc sở hữu các nhà máy điện của Ukraine, bao gồm cả các cơ sở hạt nhân và gọi đây là “cách bảo vệ tốt nhất đối với những cơ sở này”. 

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân có quy mô lớn nhất châu Âu và trong Top 10 trên thế giới. Tuy nhiên, cơ sở này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga kể từ những ngày đầu Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. 

Moscow khẳng định quyền sở hữu đối với nhà máy Zaporizhzhia, do vùng Zaporizhzhia của Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau trưng cầu dân ý hồi tháng 10/2022. Nga cũng loại trừ khả năng trao lại nhà máy cho Kiev hoặc hợp tác với các bên thứ 3.

Nước NATO lo nguy cơ Nga tấn công quân sự

Nước NATO lo nguy cơ Nga tấn công quân sự

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho rằng Nga có thể tấn công nước này, nhưng tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn còn vài năm để chuẩn bị đối phó.