
"Việc lập kế hoạch quân sự đã được tiến hành, khi các tham mưu trưởng châu Âu đang vẽ bản đồ những khu vực triển khai quân tiềm năng. Trên thực tế, những người theo chủ nghĩa diều hâu ở châu Âu đang hướng tới khả năng tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang với Nga”, ông Maslennikov phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 18/4.
"Chúng tôi đã nhiều lần nói nhưng họ không muốn lắng nghe. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc lại rằng, bất kỳ sự hiện diện nào của quân đội các nước NATO ở Ukraine là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga và sẽ dẫn tới hậu quả tiêu cực cho họ", quan chức Nga nhấn mạnh.

Ông Maslennikov nói thêm: "Cuộc thảo luận liên quan tới tên lửa Taurus đang diễn ra sôi nổi. Nó chứng minh, giống như các đồng minh NATO khác, Đức đang chuẩn bị tiếp tục leo thang xung đột ở Ukraine. Rõ ràng, một cuộc tấn công bằng tên lửa Taurus sẽ đồng nghĩa Đức can dự trực tiếp vào xung đột và đứng về phía chính quyền Kiev”.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD hôm 13/4, Thủ tướng dự kiến của Đức Friedrich Merz cho hay, nếu được chuyển giao cho Ukraine, tên lửa tầm xa Taurus có thể được sử dụng để nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự chiến lược của Nga tại bán đảo Crưm và cả cầu Kerch.
Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Olaf Scholz đã nhiều lần từ chối gửi tên lửa Taurus cho Ukraine vì lo ngại leo thang căng thẳng với Nga. Song, ông Merz từ lâu đã chỉ trích lập trường này.
Nga có thể tự chấm dứt xung đột ở Ukraine nhanh chóng
Theo hãng thông tấn Tass, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev chia sẻ trên mạng xã hội X hôm 18/4: "Các quan chức Mỹ đã nói, nếu không có tiến triển nào trong đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine, Mỹ sẽ từ bỏ. Đây là cách khôn ngoan. Và Liên minh châu Âu (EU) cũng nên làm như vậy. Khi đó, Nga sẽ tìm ra cách giải quyết nhanh hơn", ông Medvedev viết.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, nước này có thể rút khỏi các cuộc đàm phán về Ukraine nếu không đạt tiến triển.
Nhiều phương tiện truyền thông cũng đã đưa tin về khả năng Mỹ dừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Trump chưa đưa ra câu trả lời liệu Washington có sẵn sàng làm như vậy hay không, trong trường hợp các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine thất bại. Song, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio từng lưu ý, sau 3 năm hỗ trợ cho Kiev và chi hàng tỷ USD, đã đến lúc Washington cần tập trung vào các nhiệm vụ khác.


Truyền thông Mỹ nói về khả năng Washington công nhận Crưm thuộc Nga
