Đây là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ trong buổi tiếp đoàn làm việc Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin Mỹ (ITI), do ông Jason Oxman, Chủ tịch kiêm CEO làm trưởng đoàn. Hội đồng ITI đại diện cho 80 công ty công nghệ toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề về chính sách công và tiêu chuẩn công nghệ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, hoạt động trao đổi trong lĩnh vực đầu tư thương mại trở nên sôi động, hướng tới thiết lập quan hệ ngày càng thực chất hơn. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), Việt Nam thực hiện chính sách thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các đối tác trên toàn thế giới, trong đó tập trung vào các cường quốc công nghệ như Mỹ.

W-IMG_8161.JPG.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì buổi tiếp đoàn làm việc Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin Mỹ (ITI), sáng ngày 18/6 tại Hà Nội. Ảnh: Hương Giang

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm mong muốn Hội đồng ITI trở thành cầu nối giữa các công ty công nghệ thành viên với giới công nghiệp CNTT Việt Nam. Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng thông tin thêm về các cơ chế, chính sách của Chính phủ Việt Nam và Bộ TT&TT liên quan đến lĩnh vực đầu tư sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị viễn thông, CNTT; Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn hóa 6G; Các phòng lab chứng nhận, kiểm thử; Quy hoạch tần số cho mạng 6G sắp tới.

Bên cạnh đó, năm 2019, theo đề xuất của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức chương trình này. Hiện tại, Bộ TT&TT đang tập trung chỉ đạo xây dựng hạ tầng số quốc gia trên cơ sở chuyển đổi hạ tầng viễn thông CNTT thành hạ tầng số, trong đó, trọng tâm sẽ là thiết lập mạng 5G và khai thác hạ tầng điện toán đám mây.

Nhấn mạnh chính sách đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng đám mây của Việt Nam rất thông thoáng và đây là thị trường đầu tư tiềm năng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp thành viên của Hội đồng ITI có thể khởi động quá trình tiếp cận đối tác Việt Nam để xây dựng trung tâm dữ liệu tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hai thành phố đang có đề án thành lập trung tâm tài chính cấp khu vực.

Thay mặt Hội đồng ITI, ông Jason Oxman cảm ơn Bộ TT&TT đã dành thời gian và cho cơ hội thảo luận về các khoản đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Việt Nam trong thời gian tới, chia sẻ quan điểm của doanh nghiệp, ngành và đóng góp ý kiến cho cơ quan quản lý. Xuất phát từ kinh nghiệm công tác cá nhân hơn 30 năm, ông hiểu rõ vai trò quan trọng của Bộ TT&TT trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy và thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT.

Ông Jason Oxman cho biết, các doanh nghiệp công nghệ thành viên của ITI rất quan tâm đến thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và đầu tư. Hội đồng ITI mong muốn được chia sẻ thông tin với Bộ TT&TT trong các lĩnh vực như kiểm thử, chứng nhận; Nhãn điện tử cho các thiết bị; Chính sách phổ tần, nhất là phân bổ tần số. Theo Chủ tịch ITI, nếu Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn 5G/6G tương thích và phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu, đặc biệt trong kiểm thử và chứng nhận, Việt Nam có thể trở thành trung tâm thu hút các nhà sản xuất thiết bị.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cảm ơn thiện chí chia sẻ của Hội đồng ITI và mời Chủ tịch Jason Oxman cũng như các doanh nghiệp thành viên tham dự Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2024. Ngoài ra, Hội đồng ITI có thể phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức chia sẻ các thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực quy hoạch tần số 6G.

“Các thành viên của Hội đồng ITI hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự ủng hộ, hỗ trợ của Bộ TT&TT khi kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với nhau, chúng ta sẽ làm cho lĩnh vực TT&TT tại Việt Nam và hoạt động của các doanh nghiệp thành viên của hội đồng phát triển mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.