Chiều 10/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Sau đó, các đoàn đại biểu thảo luận tại tổ về một số vấn đề còn khác nhau trong dự thảo Luật Thủ đô.
Điểm mới của Luật Thủ đô sửa đổi đó là TP Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND phường. HĐND TP được tăng số lượng đại biểu từ 95 lên 125 người; số lượng Phó Chủ tịch HĐND được tăng từ 2 lên 3 người.
Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Pháp luật cho rằng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội đang có sự khác biệt so với Đà Nẵng và TP.HCM. Cụ thể, Thủ đô vẫn duy trì HĐND cấp quận, trong khi đó Đà Nẵng và TP.HCM đã không tổ chức HĐND cả quận, phường 3 năm qua.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại cả 3 địa phương nêu trên.
“Có ý kiến cho rằng, qua 3 năm thực hiện tại TP.HCM và Đà Nẵng cho thấy, mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND ở quận, phường) ở các thành phố này đang phát huy hiệu quả rất tốt. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để có thể áp dụng tương tự tại TP Hà Nội”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho hay.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tổ chức chính quyền đô thị của TP Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Luật Thủ đô nên quy định không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường. Bởi theo đại biểu, TP.HCM và Đà Nẵng thực hiện mô hình này trong 3 năm qua đã mang lại hiệu quả rất là cao, thiết thực.
“Tôi đồng ý tăng số lượng số lượng đại biểu HĐND thành phố với điều kiện không có HĐND cấp quận. Tăng 95 lên 125 đại biểu là thêm 30 người thì không phải là ít”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định không tăng số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm mà nên tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Luật Thủ đô sửa đổi là dự luật rất quan trọng. Việc sửa luật lần này để thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội với tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội hiện nay có điểm khác biệt so với TP.HCM và Đà Nẵng. “Theo lý thuyết thì ở đâu có UBND thì ở đó có HĐND; ở đâu có quản lý thì ở đó có giám sát. Nhưng do địa lý gần nhau thì người ta bỏ HĐND cấp phường, còn giữ lại cấp quận”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về đề xuất tăng đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 95 lên 125 người, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đề xuất này là hoàn toàn phù hợp. Bởi khi Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ giảm hàng nghìn biên chế. Do vậy, Hà Nội cần tăng số lượng đại biểu HĐND cấp thành phố.
Phát biểu tại tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật Thủ đô đưa ra một số cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù phân cấp cho Hà Nội. “Cùng với cơ chế, chính sách vượt trội thì phải phân cấp, phân quyền cho Thủ đô”, ông Đinh Tiến Dũng nói và cho rằng, hiện còn nhiều vấn đề chưa yên tâm vì mới trao quyền nửa vời.
Ông Đinh Tiến Dũng nêu ví dụ do vướng cơ chế nên việc giải phóng mặt bằng làm 4km đi ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội nhiều năm không thực hiện được. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. “Sau đó phải đưa ra Thường vụ Thành ủy và HĐND quyết định thì mới có cơ chế chính sách hỗ trợ cho 50 hộ dân bị ảnh hưởng của tuyến ngầm đường sắt đô thị”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, muốn Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại phải có thẩm quyền. Nhưng qua thực tế để làm được điều đó còn muôn vàn chông gai. Do vậy, để tránh tình trạng 'ông chẳng bà chuộc’ khi giao thẩm quyền cho Hà Nội thì các luật chuyên ngành khác cũng phải đi theo.