Ngày 15/4, trao đổi với PV VietNamNet, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bộ vừa công khai lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể, cơ quan này đề xuất 2 phương án tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi lên 2,055 triệu đồng/người/tháng, hoặc 2,111 triệu đồng/người/tháng.
Mức chuẩn mới theo phương án trên nhằm thay cho mức chuẩn theo quy định hiện hành chỉ 1,624 triệu đồng/người/tháng.
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi này là căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.
Ông Đào Ngọc Lợi cho biết, trong 2 phương án đề xuất trên thì Bộ LĐ-TB&XH thiên về phương án 1: tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng lên 2,055 triệu đồng/người/tháng. Mức trợ cấp nay cao hơn mức chuẩn nghèo thành thị (chuẩn nghèo thành thị 2 triệu đồng) và phù hợp với ngân sách nhà nước.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất, các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng với người có công và thân nhân (người có công với cách mạng) áp dụng theo chuẩn mới kể trên, sẽ tính từ kỳ chi trả từ ngày 1/7 tới.
Riêng việc điều chỉnh chi phí điều dưỡng phục hồi sức khỏe người có công áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Dự thảo nghị định sửa đổi cũng đưa ra mức điều chỉnh cách tính chi phí quà tặng cho người có công đang điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung.
Cụ thể, mức chi quà theo đề xuất mới tối đa bằng 20% mức chi điều dưỡng cho người có công, thay vì quy định bằng 1,8 lần mức chuẩn theo quy định hiện hành.
Đề xuất tăng mức chi quà của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo bộ ngành trung ương tặng gia đình, cá nhân người có công, trong đó quà bằng tiền mặt tăng từ 500 nghìn đồng/người (hoặc gia đình) lên 1 triệu đồng/người (hoặc gia đình); quà bằng hiện vật tăng từ 150 nghìn đồng/người (hoặc gia đình) lên 250 nghìn đồng/người.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất quy định rõ hơn trong việc đặt hàng, các đơn vị được tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong đó, có mở ra cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia cung cấp dịch vụ này.