Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất đã được Bộ LĐ-TB&XH đưa vào quy định về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, nhằm bao phủ các chế độ an sinh xã hội tới nhóm người hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.
Dự luật quy định về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội áp dụng với công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với nam tăng lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi).
Với người lao động không tham gia BHXH, không có lương hưu, ngân sách nhà nước sẽ chi trợ cấp hưu trí xã hội với mức 500 nghìn đồng/tháng, áp dụng cho người từ 80 tuổi trở lên.
Người nhận trợ cấp hưu trí xã hội ngoài mức trợ cấp hằng tháng, còn được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế miễn phí, trợ cấp mai táng phí khi chết với mức 10 triệu đồng/người.
Đặc biệt, người tham gia BHXH tới tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ thời gian đóng để nhận lương hưu hằng tháng, chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo (từ 60 tuổi tới dưới 80 tuổi), nếu có nguyện vọng sẽ được nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng.
Mức hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng với người tham gia BHXH chưa đủ 15 năm sẽ được tính tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương tháng đóng BHXH.
Trường hợp thời gian và mức đóng cao, thời gian hưởng vượt thời gian nhận trợ cấp từ ngân sách, người lao động được nhận mức trợ cấp cao hơn (cộng cả phần trợ cấp từ BHXH và phần ngân sách nhà nước).
Trường hợp người nhận trợ cấp hưu trí xã hội từ quỹ BHXH chết khi chưa hết thời gian hưởng, thân nhân được nhận một lần số tiền chưa hưởng và trợ cấp mai táng.
Hiện nay người từ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH hằng tháng được nhận trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Người cao tuổi. Mức trợ cấp hiện 360 nghìn đồng/tháng.
Nếu đề xuất mới của Bộ LĐ-TB&XH trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua, những người tới tuổi nghỉ hưu có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm sẽ có cơ hội được nhận trợ cấp hàng tháng thay vì nhận BHXH một lần.